.

Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn

.

Trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người của Liên Hợp Quốc sáng 23-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rõ về điều kiện tham gia của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn.
Cụ thể, Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước. Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại.

Việt Nam không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ như quy định tại khoản 2, điều 8 của Công ước này. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở Hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi, có lại.

Xem Công ước về chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là một điều ước quốc tế về quyền con người, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về một số nội dung khi tham gia Công ước, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng nhận định, Công ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam, phù hợp với quy định của Hiến pháp mới, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20).

UB Đối ngoại nhất trí với kết quả rà soát, đánh giá sự tương thích giữa Công ước chống tra tấn và pháp luật do Bộ Công an lập.

Tuy nhiên, Công ước có một số nội dung chưa được quy định trong văn bản pháp luật do Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội ban hành. Cụ thể, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tội danh “tra tấn” như tại Điều 1 Công ước; chưa có quy định về từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, chưa quy định cụ thể việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn... Các nội dung này đã được Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Ngày làm việc thứ 4 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Ngày làm việc thứ 4 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Đề cập chi tiết về tội danh “tra tấn” mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng, Chủ nhiệm Trần Văn Hằng cho rằng, tuy chưa quy định riêng nhưng trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có các quy định liên quan đến hành vi tra tấn cả về thể chất và tinh thần tại nhiều điều khoản như quy định về tội bức cung; tội dùng nhục hình; tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, tội hành hạ người khác; tội làm nhục người khác; tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; tội làm nhục, hành hung đồng đội; tội ngược đãi tù binh, hàng binh...

Với việc gia nhập Công ước chống tra tấn, Việt Nam sẽ phải tiếp tục hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến tra tấn trong Bộ luật hình sự phù hợp với định nghĩa tra tấn quy định tại Công ước và các quy định trong tố tụng hình sự về bồi thường những tổn thất về tinh thần của nạn nhân bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người.

Ông Hằng nhận định, đây là việc làm cần thiết, phù hợp với chính sách nhân đạo cũng như chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người của Việt Nam hiện nay.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt Nam, bảo lưu quy định tại Điều 20 của Công ước về thẩm quyền của UB chống tra tấn và khoản 1 Điều 30 về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước cùng với tuyên bố về việc không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước, không coi đây là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ.

UB Đối ngoại kiến nghị sửa BLTT hình sự năm 1999 với quy định bổ sung về tội danh tra tấn; sửa quy định về tội dùng nhục hình, tội bức cung và một số hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người có thể bị coi là tra tấn; bổ sung quy định về dẫn đội đối với tội phạm tra tấn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật Tạm giữ, tạm giam…

Sau buổi nghe các báo cáo, Quốc hội sẽ có thời gian để thảo luận về việc tham gia Công ước này và sẽ có phiên biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Công ước vào cuối kỳ họp.

Theo Dân trí

 

;
.
.
.
.
.