Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu Chính phủ lấy lí do cân đối ngân sách khó khăn, năng suất lao động thấp, việc tinh giản bộ máy chưa hiệu quả… nên không đủ cơ sở để tăng lương theo lộ trình là chưa đủ thuyết phục.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh chụp màn hình |
Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong những lý do mà Chính phủ nêu ra để trì hoãn việc tăng lương, lỗi chính không phải của người lao động.
Theo đại biểu Tâm, cân đối ngân sách khó khăn tuy là thực tế nhưng là do điều hành thu-chi chưa tốt, chưa nghiêm. Năng suất lao động thấp do rất nhiều lý do, không phải hoàn toàn do người lao động, mà trước hết là thuộc về trách nhiệm của người điều hành, đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; việc quy định chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, phân cấp chưa hợp lý, phải chăng là do bị sự chi phối của lợi ích nhóm, cục bộ nên việc tổ chức bộ máy, cơ cấu, phân cấp, phân nhiệm chưa làm quyết liệt, triệt để? Ngoài ra, việc tuyển dụng lao động chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, tranh tài dân chủ thực sự; cách đánh giá người lao động, công chức, viên chức hiện nay còn theo cách thức cào bằng.
“Hiện nay, theo cách đánh giá của chúng ta, người giỏi cũng giống như người dở, người tích cực cũng như người không tích cực, người năng động, sáng tạo cũng như những người không có tư tưởng này, người học hành tử tế, có kiến thức thực sự cũng giống như người chạy bằng, chạy chỗ, dẫn tới người làm giỏi, có hiệu quả không có động lực để phấn đấu, tiến bộ, người làm dở không cảm thấy xấu hổ, có lỗi, nên bộ máy không thể làm việc năng suất được”, đại biểu Tâm nhận xét.
Cũng theo đại biểu Tâm, tuy không phải là hiện tượng phổ biến nhưng một số người đứng đầu ở các đơn vị, doanh nghiệp thiếu năng lực, trình độ nhưng lại sợ những người cấp dưới mình hơn mình, do đó đã làm thui chột tính sáng tạo, năng động, động lực cống hiến của cán bộ, công chức, nhất là những người trẻ tuổi.
“Năng suất lao động thấp - Lỗi này trước hết và căn bản là do người sử dụng lao động, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức của bộ máy. Vì vậy, chúng ta phải tăng lương theo lộ trình, đó là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ”, đại biểu Tâm nói.
Đại biểu Tâm cho rằng, nếu không tăng lương sẽ tạo tâm lý nặng nề trong cán bộ, viên chức, cho thấy Quốc hội và Chính phủ chưa thực sự coi trọng nguồn nhân lực, vì trong khi thiếu ngân sách thì các nguồn chi khác vẫn được đảm bảo nhưng lại cắt nguồn chi để tăng lương
Theo đại biểu Trần Du Lịch - TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ không nên tăng lương như hệ số hiện nay mà cần cải cách tiền lương triệt để hơn. Tiền lương phải thể hiện được giá trị xã hội của người lao động, nên các quy định về thang, bậc lương phải tính lại.
“Hiện nay, nếu chúng ta tăng thêm 100.000 lương tối thiểu thì chênh lệch giữa người bậc lương thấp và bậc lương cao càng lớn. Trước mắt, khi ngân sách khó khăn, chúng ta nên trợ cấp đều cùng một mức cho mọi công chức, chứ không tăng lương tối thiểu, vì càng tăng sẽ càng bất công, bởi những người thực sự khó khăn sẽ không được hưởng nhiều khi lương tăng, trong khi những người lương cao lại được hưởng nhiều hơn”, đại biểu Lịch nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang đề nghị, nếu Chính phủ không thể tăng lương theo đúng lộ trình thì phải giải trình thật rõ để người lao động, nhân dân hiểu và ủng hộ. Bởi có đúng là mấy năm qua ta tăng lương nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thì đúng không? Trong giai đoạn này lại điều chỉnh.
“Những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có khoảng 3 triệu người, nhưng còn 60 triệu lao động khác thì sao, hơn 80 triệu người dân thì sao? Chính phủ phải có sự giải thích, phải đảm bảo công bằng, bình đẳng”, đại biểu Tiên nói.
Ở góc độ góp ý về hiệu quả sử dụng lao động, đại biểu Trần Đình Nhã-Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện các quy định của Nhà nước về giới hạn số lượng cấp phó ở các cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ. Ông đặt vấn đề tại sao ở nước ta lại có nhiều cấp phó đến thế, trong khi ở nhiều nước khác, có những cơ quan, những bộ không có thứ trưởng. Phải chăng do chúng ta tổ chức nhiều hội họp quá, tạo nhiều cơ cấu thành phần trong đội ngũ lãnh đạo quá?
“Chúng ta có nhiều cấp phó nhưng để đưa ra thảo luận loại bỏ bớt thì vị trí nào cũng có lý. Cấp phó nhiều dẫn tới bội chi ngân sách nhiều. Nếu chúng ta tạm tính với một cấp phó, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi thêm 30 triệu đồng thì 139.000 cấp phó sẽ khiến ngân sách phải chi thêm hơn 4.000 tỷ đồng, nếu có nhiều cấp phó thì cứ theo đó mà nhân lên, ra số tiền không hề nhỏ”, đại biểu Nhã đưa ví dụ.
Đại biểu Nhã đề nghị, Quốc hội cần có quy định cấp phó ở các cơ quan Nhà nước không quá 3 người, trường hợp cần thêm nhân sự thì phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trở lại với vấn đề phân bổ ngân sách, bội chi, nợ công, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cho rằng, với cách làm ngân sách như hiện nay, việc giảm khoản nào, thêm khoản nào cũng rất khó, cần phải đổi mới quy trình làm ngân sách để Quốc hội thực sự là cơ quan có quyền quyết định về ngân sách.
“Xu hướng năm qua là chi thường xuyên tăng trên tổng chi nên dẫn tới chúng ta muốn đầu tư gì cũng phải vay. Theo tôi, chúng ta nên cắt mạnh chi thường xuyên, khoảng 10%, làm sao để các cơ quan nếu muốn tổ chức lễ lạt, hội nghị, hội thảo… thì phải tính toán thật kỹ”, đại biểu Lịch đề nghị.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên đề nghị Chính phủ cần đánh giá thực chất và bổ sung đầy đủ số liệu nợ công để có quyết sách đúng đắn, đồng thời đánh giá hiệu quả sử dụng nợ công ở mức độ nào, nguồn tiền trả nợ ở đâu…
“Chính phủ cần đánh giá lại nợ công, giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, thống kê chính xác số nợ của các DN Nhà nước, từ đó có các giải pháp hiệu quả; cân nhắc kỹ khi thực hiện các siêu dự án, trong đó có dự án sân bay quốc tế Long Thành được trình tại kỳ họp này; hoàn thiện quy định về kiểm toán nợ công”, đại biểu Hùng nói.
Ngày mai, Quốc hội sẽ dành trọn thời gian thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.
Theo Hànộimới