.

Đổi mới đánh giá chất lượng nông thôn mới

.

Một trong những đổi mới trong cách đánh giá tiêu chí về nông thôn mới là người dân trực tiếp biểu quyết đồng ý mới được thông qua từng tiêu chí thay vì các cơ quan chức năng thẩm định đánh giá như trước đây. Đây là cách đánh giá theo hướng minh bạch và khách quan hơn, bởi người dân là đối tượng trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chợ theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Chợ theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.

Dân tự đánh giá, giám sát

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, muốn xây dựng thành công nông thôn mới thì vấn đề cốt lõi là phát triển kinh tế nông thôn, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và tái đầu tư phát triển sản xuất chứ không bị động trông chờ vào nguồn vốn cấp trên. Vì vậy, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn ở Hòa Vang phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của địa phương với những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống, nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng dân cư nông thôn. Sự tham gia tích cực của người dân trong công tác quy hoạch nông thôn, nhất là tạo điều kiện để dân tự đánh giá, giám sát tiêu chí là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tám, người dân xã Hòa Phong cho rằng, để người dân đánh giá trên cơ sở hướng dẫn của các ngành chức năng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn. “Những tiêu chí được công nhận phải bảo đảm yêu cầu là tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét trên một lĩnh vực nào đó. Còn không thì người dân cũng khó chấp nhận và sẽ không thông qua”, ông Tám chia sẻ.

Ngay từ khi triển khai chương trình nông thôn mới, huyện Hòa Vang đã lựa chọn tiêu chí theo thứ tự ưu tiên để thực hiện đạt kết quả thiết thực. Theo lãnh đạo một số xã của huyện Hòa Vang, việc điều chỉnh các tiêu chí của Trung ương trong thời gian gần đây là để đánh giá đúng hơn về nông thôn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của địa phương.

Cụ thể, tiêu chí văn hóa được công nhận đạt khi có từ 70% thôn trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục từ 5 năm trở lên. Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát và đạt mức quy định tối thiểu của vùng về tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Nhà ở bảo  đảm “3 cứng” gồm: nền cứng, khung cứng, mái cứng.

Tiêu chí môi trường quy định, xã được công nhận đạt tiêu chí môi trường khi đạt được 5 yêu cầu như: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định đạt mức quy định của vùng; 90% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường, đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh-sạch-đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Xác định điểm nhấn của nông thôn mới

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn cho biết, ngoài 2 xã Hòa Tiến, Hòa Châu đạt tiêu chí về nông thôn mới được công nhận trong năm 2013, năm 2014 huyện Hòa Vang phấn đấu thêm 4 xã: Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Phú đạt chuẩn nông thôn mới.

Điểm nhấn nông thôn mới được huyện xác định trong năm 2014 là tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa; đồng thời tạo nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng hoa, rau an toàn, trồng nấm, trồng dưa hấu, nuôi dê thâm canh, nuôi thỏ, trồng cỏ nuôi bò, nuôi gà thả vườn…; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững và chú trọng công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang khoảng 290 tỷ đồng; trong đó, các xã chú trọng và hoàn thành xong các tiêu chí về đường bê-tông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các thiết chế văn hóa, môi trường, chợ nông thôn, nhà ở… “Một số tiêu chí chưa đạt thì địa phương dồn sức đầu tư nhân lực, vật lực để động viên người dân tham gia tích cực nhằm bảo đảm hoàn thành trong năm 2014”, ông Lê Văn Toàn khẳng định.

Theo kế hoạch, trong năm 2015, huyện Hòa Vang phấn đấu 5 xã còn lại gồm: Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên và Hòa Bắc sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đối với những xã này, điều kiện kinh tế, xã hội vẫn còn rất khó khăn, mức sống người dân còn thấp, đặc biệt để đạt các tiêu chí về trường học, y tế, chợ, hộ nghèo, thu nhập... đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ về tài chính và con người của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đăng ký hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.