“Tôi đã từng nghĩ, những người tàn tật như chúng tôi chỉ là những người sẽ bị lãng quên. Nhưng trong thời gian qua, cộng đồng xã hội luôn quan tâm hỗ trợ chúng tôi cần, đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới”, anh Võ Đình Vân xúc động nói. Đây có lẽ nỗi niềm chung của hàng ngàn người khuyết tật (NKT) trên địa bàn thành phố đã và đang được các tổ chức, đơn vị, đoàn thể hỗ trợ trong suốt thời gian qua.
Kể từ khi có xe lăn, anh Võ Đình Vân trở nên vui vẻ, yêu đời hơn. |
Tìm lại niềm vui
Khi chúng tôi bước vào căn nhà 101, khu L, chung cư Hòa Minh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), anh Võ Đình Vân (SN 1966) đang ngồi trên chiếc xe lăn mới được trao tặng, cầm đàn hát say sưa. Chị Tôn Nữ Bích Liên (SN 1972-vợ anh Vân) ngồi bên cạnh, lặng lẽ nhìn chồng rồi nói: “Kể từ khi có chiếc xe lăn này, ảnh trở nên yêu đời hơn vì được ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Chiều chiều, tôi còn đẩy xe đưa ảnh ra biển dạo mát nữa”.
Anh Vân bị liệt từ bụng trở xuống đã gần 15 năm nay trong một lần tai nạn lao động do bị ngã từ trên cao. Năm 2009 là lần đầu anh được trao tặng xe lăn. “Lúc ấy, người mình nó chộn rộn, vui không nói sao cho hết. Nằm mãi một chỗ năm này qua tháng nọ chỉ mong được có cái xe lăn như những người khuyết tật khác mà mình thấy trên tivi, cuối cùng mong ước đó cũng trở thành sự thật”, anh Vân bồi hồi nhớ lại. Đầu năm nay, chiếc xe sau thời gian dài sử dụng đã hư hỏng. Tháng 6 vừa rồi, anh lại được Hội chữ thập đỏ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) phối hợp tổ chức Trả lại tuổi thơ (Mỹ) đến tận nhà lắp và trao cho anh chiếc xe lăn mới.
“Cần câu” cơm
Cũng như anh Vân, vợ chồng anh Lê Văn Sơn (SN 1964, tổ 48, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) vui mừng khi được cán bộ Hội chữ thập đỏ phường thông báo sắp được nhận xe lắc. Anh Sơn bị tai biến, liệt nửa người bên trái đã hai năm nay. Gia cảnh vốn đã khốn khó khi hai vợ chồng phải làm quần quật vẫn không đủ sức để nuôi 3 đứa con ăn học thì nay lại càng khó khăn gấp bội. Kể từ khi anh lâm bệnh, để thuận tiện cho việc chăm chồng, chị Nguyễn Thị Thu Vân (SN 1971) lựa chọn nghề bán cháo dinh dưỡng vào mỗi buổi sáng nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh.
Chỉ tay về chiếc xe lắc ở góc nhà, anh Sơn nói: “Tôi trông mong có được cái xe này từng ngày. May mà có nó mình còn được đi ra ngoài chứ không ở hoài trong nhà cả ngày chán chịu chi nổi”. Tuy vậy, mỗi lần anh muốn đi đâu đều phải có sự trợ giúp của vợ vì sức anh rất yếu, không thể tự bước lên hay lắc tay được. Chị Vân bày tỏ: “Niềm mong ước lớn nhất của gia đình tôi bây giờ có tiền để lắp động cơ điện vào chiếc xe lắc này cho anh Sơn có thể dễ dàng sử dụng”.
Bước vào căn nhà nhỏ của anh Lê Phước Hội (SN 1960) và chị Trần Thị Tâm Hiền (SN 1965) trú tại tổ 80, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh đôi vợ chồng tật nguyền đang cặm cụi gia công giấy hàng mã. Anh Hải bị liệt chân trái, tay phải từ nhỏ, còn chị Liên bị cụt chân phải từ đầu gối trở xuống.
Tuy cuộc sống khá chật vật nhưng lúc nào gia đình nhỏ của anh Hội cũng rộn ràng tiếng cười nói của vợ chồng và đứa con nhỏ đang học lớp 6. Tháng 7 vừa qua, anh được Hội Chữ thập đỏ thành phố trao tặng chiếc xe lắc tay để thuận tiện hơn trong việc đi lại, làm ăn. Anh Hội vui mừng nói: “Khỏi phải nói vợ chồng tôi vui thế nào đâu. Trưa hôm được nhận, bữa cơm của gia đình cũng ngon hơn mọi khi một tí. Đứa con cứ líu lo “Ba có xe mới! Ba có xe mới!””.
Từ hôm có chiếc xe, anh Hội có thể tự đi giao và nhận hàng, không còn cảnh lo sợ nơm nớp đi đường xe có trục trặc như lúc đi chiếc xe lắc cũ. Tuy hai vợ chồng chỉ có một người được hỗ trợ nhưng với gia đình anh, đó là điều vượt ngoài mong đợi. Anh Hội cho biết thêm, hiện tại, mỗi tháng vợ chồng anh đều được nhận mức hỗ trợ 210.000 đồng/người/tháng. “Mọi người từ cán bộ phường, tổ dân phố cho đến hàng xóm ai cũng thương, cũng giúp đỡ chúng tôi. Dù không nói ra nhưng bao giờ vợ chồng tôi biết ơn và rất quý trọng tình cảm mà xã hội đã ưu ái dành cho mình”, nắm lấy đôi tay gầy guộc của vợ, anh Hội chân thành bộc bạch.
Đến cuối năm 2013, thành phố có trên 8.200 NKT được hưởng chính sách trợ cấp xã hội tại cộng đồng, với kinh phí gần 28 tỷ đồng. Ngoài ra có gần 1.000 trẻ em khuyết tật từ 6 đến 16 tuổi (không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp XH, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH và trường chuyên biệt) được cấp thẻ BHYT miễn phí. Hầu hết NKT, người tâm thần không có nơi nương tựa lang thang trên địa bàn thành phố đều được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần, với mức nuôi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng. Tổng số NKT đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH trong năm là 565 người. Cũng trong năm 2013, Ngân hàng chính sách xã hội thành phố thông qua nguồn vốn Quỹ Nippon đã giải quyết cho 2 cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho NKT và 38 hộ NKT vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống với tổng số vốn đã giải ngân là 2.220.000.000 đồng. |
Bài và ảnh: MỘC MIÊN