.

Những trái tim hồng

.

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là một trong những hoạt động nổi bật, tiêu biểu của thanh niên Đà Nẵng, với tỷ lệ người tham gia HMTN tính theo phần trăm dân số cao nhất cả nước. Họ sẵn sàng cho đi giọt máu hồng để cứu giúp người khác mà không hề đòi hỏi nhận lại điều gì.

Hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động nổi bật của thanh niên Đà Nẵng.
Hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động nổi bật của thanh niên Đà Nẵng.

Tỷ lệ hiến máu cao nhất nước

Ngày 13-3-2003, UBND thành phố quyết định thành lập Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo với 26 thành viên; trong đó có một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố làm Phó ban Thường trực, lãnh đạo Sở Y tế và Đoàn Thanh niên làm Phó ban. Từ đó đến nay, hằng năm Thường trực Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND thành phố ký ban hành kế hoạch nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị cấp thành phố và quận, huyện; sắp xếp thời gian hiến máu cụ thể của từng đơn vị trực thuộc Thành đoàn, Hội LHTN, Hội Chữ thập đỏ và Liên đoàn Lao động thành phố để thuận tiện điều phối việc tiếp nhận máu theo nhu cầu của bệnh viện.

Nhờ công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành nên công tác HMTN của thành phố đạt kết quả ấn tượng, với tỷ lệ người tham gia HMTN tính theo phần trăm dân số cao nhất cả nước, với gần 3,1% (bình quân cả nước 1,08%), đáp ứng 100% nhu cầu máu tại các bệnh viện trên địa bàn. Độ tuổi HMTN chủ yếu từ 18-30 tuổi, chiếm 77,11%. Điều này cho thấy, lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong công tác HMTN. Là tổ chức tập hợp các tầng lớp thanh niên, Hội LHTN thành phố luôn đi đầu trong công tác HMTN, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động này để trở thành một hoạt động nổi bật, tiêu biểu của thanh niên Đà Nẵng trong những năm qua.

Công tác tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia HMTN ngày càng tăng cả về số người tham gia lẫn số đơn vị máu tiếp nhận. Qua 5 năm đã thu được gần 105.000 đơn vị máu (năm 2010: 17.727 đơn vị, năm 2011: 19.169 đơn vị, năm 2012: 22.095 đơn vị, năm 2013: 22.428 đơn vị, năm 2014 dự kiến thu trên 23.000 đơn vị so với chỉ tiêu được giao 17.000 đơn vị). Bên cạnh đó, Hội LHTN thành phố còn có 12 đội hiến máu dự bị (trong tổng số 20 đội của thành phố), tham gia CLB 25, CLB những người có nhóm máu hiếm Rh-, kịp thời đáp ứng các đợt hiến máu và cấp cứu đột xuất tại các bệnh viện của thành phố.

Một cán bộ chuyên trách công tác HMTN của Hội LHTN thành phố cho biết, hoạt động hiến máu đều có lịch trình cụ thể, có sổ ghi từng ngày, từng đơn vị hiến máu, với tần suất 2 đợt/tuần. Bên cạnh đó, Hội LHTN cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như tập huấn kiến thức, kỹ năng về máu, an toàn truyền máu cho tình nguyện viên trong công tác vận động hiến máu… nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Sống phải biết cho đi

Ngoài những đợt tham gia hoạt động HMTN theo chương trình phát động, nhiều thanh niên Đà Nẵng sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào khi bệnh nhân cần. Họ thuộc đội hiến máu dự bị. Anh Nguyễn Nhật Khánh, Phó Bí thư Đoàn phường Bình Thuận (quận Hải Châu) có đến 37 lần hiến máu. Chỉ cần điện thoại reo thì Khánh lên đường ngay dù nắng hay mưa, dù ban ngày hay nửa đêm. “Nhiều thanh niên khác cũng có suy nghĩ như tôi: mình còn khỏe, trẻ, giúp được gì cho người khác thì giúp, sống thì phải biết cho đi. Tôi còn nhớ một lần, tôi nhận điện thoại lúc 2 giờ sáng đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho máu bệnh nhân bị xuất huyết não. Đang đi thì xe chết máy, lo mình không đến kịp, tôi gửi xe lại, chạy bộ. May mắn tôi đến kịp và nhanh chóng được tiến hành tách tiểu cầu máy (chiết tách tiểu cầu bằng máy từ người hiến), cứu sống bệnh nhân”, anh Khánh chia sẻ.

So với những trường hợp hiến máu đột xuất thì hiến máu cho những bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm Rh- khó khăn hơn, vì số lượng người có máu hiếm khá ít. Do đó, những thành viên của CLB máu hiếm Đà Nẵng, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên không nề hà, sẵn sàng hiến máu cứu người, tuân thủ quy định không để điện thoại tắt máy.

Anh Lê Công Quang, chuyên viên phụ trách công tác thanh niên Phòng Nội vụ, quận Sơn Trà kể rằng, từ ngày biết những giọt máu mình đang mang trong người thực sự quý hiếm và sẽ trở thành sự sống cho nhiều người bệnh máu hiếm khác, anh luôn trong tư thế sẵn sàng “cho”. Năm 2010, có một trường hợp bị xuất huyết đường ruột, bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm, dù có rất đông đồng nghiệp, người thân, bạn bè tiến hành xét nghiệm máu nhưng không ai phù hợp. Lúc đó, anh nhận được điện thoại và ngay lập tức đến bệnh viện ứng cứu. “Một năm, tôi chỉ hiến máu từ 1-2 lần, không tham gia các hoạt động hiến máu khác vì là nhóm hiếm nên phải “để dành” cho những trường hợp khẩn cấp”, anh Quang nói.

Không riêng anh Nguyễn Nhật Khánh, anh Lê Công Quang… mà nhiều bạn trẻ tham gia công tác HMTN khi cho đi đều không suy nghĩ thiệt hơn, không cần biết người mình cho máu là ai, không cần nhận lời cảm ơn. Trong họ, không chỉ có nhận thức, hành động đúng đắn mà quan trọng hơn là có một “trái tim hồng”.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.