ĐNĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị 3 ngày tại Việt Nam, sáng 16-10, đoàn sĩ quan, thủy thủ tàu Samudra Paheredar của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ trình diễn sử dụng trang thiết bị để phát hiện và xử lý ô nhiễm trên vùng biển Đà Nẵng.
Hệ thống xử lý dầu tràn trên biển của tàu Ấn Độ. |
Tình huống trình diễn được đưa ra là xử lý sự cố dầu tràn trên biển. Đây là sự cố ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hệ sinh thái, gây thiệt hại nặng nề đến môi trường.
Ngay sau đó, quy trình ứng cứu khẩn cấp đã được kích hoạt và tất cả các thủy thủ được thông báo về sự cố để thực hiện nhiệm vụ ứng cứu.
Trong những trường hợp khẩn cấp ngoài khơi xa, sóng lớn, khi không thể sử dụng các thiết bị này, thủy thủ đoàn sẽ dùng phương án phun hóa chất để xử lý dầu tràn. Khi tiếp xúc hỗn hợp hóa chất này, lượng dầu tràn sẽ kết tủa và chìm xuống nước.
Công tác xử lý sự cố tràn dầu được thực hiện theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đầu tiên là đưa xuồng cứu hộ và phao quay xuống địa điểm phát hiện dầu tràn. Phao quay màu đen này có chiều dài 200m, chia làm 4 đoạn, được thiết kế bằng cao su và nhựa để nổi trên nước, có tác dụng gom dầu về một cụm. |
Những thiết bị gom dầu này sẽ thực hiện bước tiếp theo là gom và lọc tách dầu với nước. Dầu sau đó được gom vào thùng ở phía dưới máy này. Ba chiếc phao màu xanh là để giữ thăng bằng cho máy lọc và thùng chứa phía dưới. |
Thiết bị lọc dầu này được đặt cạnh thùng chứa lớn màu vàng. |
Dầu tràn sau khi được quay lọc sẽ được hút vào trong khoang màu vàng. Thiết bị này được thiết kế thân thiện với môi trường. Lượng dầu tràn được thu gom triệt để giúp bảo vệ sinh thái biển. |
Chiều cùng ngày, tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và tàu CSB Việt Nam sẽ tiến hành diễn tập chung về tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Theo đó, tình huống giả định được đưa ra là: có 1 tàu của Việt Nam bị chìm ở khu vực bán đảo Sơn Trà và 3 người trên tàu này bị trôi dạt.
Thông tin này sau khi được báo về Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) thì lập tức được báo cáo ngay cho Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam để điều động tàu ra tìm kiếm.
Cùng lúc này, có một tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ hành trình đi ngang qua khu vực có tàu Việt Nam đang bị nạn nên CSB Việt Nam đã yêu cầu trợ giúp. Cả hai lực lượng sau đó cùng đưa tàu ra khu vực có tàu bị nạn và tiến hành tìm kiếm, cứu người bị nạn. Khi phát hiện thì lập tức hạ xuồng, cứu người bị nạn đang trôi dạt trên biển, đưa lên tàu tiến hành sơ cấp cứu.
ĐẮC MẠNH