Từ nguồn vốn đầu tư của thành phố và Trung ương, mấy năm gần đây, nhiều tuyến kè bờ sông đã hình thành, các khu dân cư và đất canh tác hai bên bờ sông được bảo vệ an toàn. Tuy vậy, vẫn còn đó không ít khu vực bờ sông đang sạt lở nghiêm trọng, rất cần đầu tư xây dựng khẩn cấp các tuyến kè tương tự.
Kè bờ sông tại thôn Hội Phước đang triển khai. Đình làng Hội Vực chỉ còn cách bờ sông hơn chục mét. |
Những công trình đem lại niềm vui
Gần 3km bờ sông Túy Loan, đoạn hạ lưu cầu Giăng đã có bờ kè đá bảo vệ vững chắc. Đây là một phần dự án “Xây dựng kè khẩn cấp chống sạt lở bờ sông” với tổng chiều dài 4.642m, vốn đầu tư 50,5 tỷ đồng từ nguồn Trung ương. Hàng trăm hộ sinh sống hai bên bờ giờ đây có thể yên tâm khi thoát cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi lũ về.
Bà Đinh Thị Tiền, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, cho hay: “Ngày khởi công xây dựng tuyến kè ven sông, mọi người đều phấn khởi, tự nguyện hiến đất, hiến cây để công trình sớm hoàn thành. Kể từ cơn lũ gần cuối năm 2012 làm sập đổ 11 ngôi nhà tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong đối diện, hễ nghe tin mưa lũ, các hộ có nhà sát sông lo sơ tán sớm. Không sơ tán sao được, khi bờ sông chỉ cách tường nhà vài ba mét, những bụi tre to là vậy mà vẫn bị lũ cuốn trôi, huống hồ nhà cửa. Nay thì yên tâm rồi. Kè xây dựng kiên cố, lũ lớn đến mấy cũng không lo nhà bị sạt lở xuống sông”.
Tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, tuyến kè bờ sông dài hơn 300 mét đang được Công ty CP Xây dựng 303 triển khai rất khẩn trương. Công ty đang chạy đua với lũ, bởi chỉ cần chậm tiến độ, khi lũ về công trình dang dở thiệt hại cho đất canh tác ven sông không nhỏ.
Chỉ tay ra dòng nước đục ngầu, chảy xiết, anh Mạc Như Đạt, có nhà sát sông cho biết, so với 10 năm trước, bờ sông đã tiến về phía nhà ở khoảng 30m. Khu vườn này, cỡ 3.000m2 đất đã biến mất. Với tốc độ sạt lở như vừa qua, nếu không xây kè kịp thời, vài năm nữa, có khi đình làng Hội Vực cũng bị đe dọa. Nay, bờ sông được xây kè ai nấy đều phấn khởi, chỉ mong đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình trước mùa lũ.
Mấy năm qua, 4 tuyến kè dọc sông Cu Đê đã hoàn thành, góp phần bảo vệ an toàn các khu dân cư và đất canh tác ven sông. Trong đó, đáng kể nhất là tuyến dài hơn 300m tại thôn Nam Mỹ triển khai rất khẩn trương đã cứu đường ĐT601 không bị lũ cắt đứt. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, kè bờ sông là công trình đặc biệt cấp thiết. Mấy năm gần đây, từ nguồn đầu tư của thành phố và Trung ương, hàng chục tuyến kè đã hình thành, nhờ vậy nhiều khu dân cư ven sông an toàn.
Còn nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng
Gần như toàn bộ hai bờ sông Yên đang bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó không ít đoạn bờ sông đã tiến sát nhà dân. Đứng từ cầu Sông Yên nhìn về phía hạ du, một số bụi tre chơ vơ run rẩy giữa dòng nước xiết.
Ông Nguyễn Chiến, ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, cho hay: “Cách đây dăm bảy năm, bụi tre còn cách bờ sông chừng vài mét, thế mà nay nó chơ vơ giữa dòng nước. Đất vườn này đã mất đứt 1 sào do lũ cuốn. Ở đây, cuộc sống cứ thấp thỏm lo âu, nghe tin lũ là chạy sơ tán. Vừa qua, xã thông báo phải di dời đi nơi khác, nhưng với nguồn hỗ trợ 20 triệu đồng, làm sao mà chuyển đi nổi. Xóm này 7-8 hộ đều như vậy cả, chỉ mong cấp trên sớm đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ sông khỏi sạt lở, như phía bên xã Hòa Phong”.
Trong số 156 hộ của thôn Thạch Bồ, xã Hòa Tiến, gần 20 hộ có nhà sát sông. Lội dọc khu dân cư sát sông này, mới hay nhiều hộ đang phải sống trong vùng nguy hiểm, bởi nhà họ chỉ cách bờ sông hơn chục mét. Ông Đặng Tiên, Trưởng thôn Thạch Bồ, cho biết tình trạng sạt lở ven sông diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trước đây, nhà của các ông Đặng Truốt, Đặng Vinh… cách bờ sông hàng chục mét, thế mà nay chỉ còn hơn chục mét. Ít nhất hơn 2 ha đất canh tác ven sông đã biến mất.
Tương tự, ở bờ sông Túy Loan, đoạn thuộc địa phận các thôn Thái Lai, Ninh An, xã Hòa Nhơn; bờ sông Cu Đê đoạn thôn Nam Yên, Phò Nam, Nam Mỹ, xã Hòa Bắc; Trường Định, Quan Nam 3… xã Hòa Liên cũng bị sạt lở rất nghiêm trọng, rất cần triển khai xây dựng kè bảo vệ.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU