Chiều 4-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu băn khoăn là đúng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nói rõ, lần này, Chính phủ trình ra Quốc hội để xin chủ trương, chưa phải đủ điều kiện để bấm nút thông qua. Công trình này có chủ trương lâu rồi và chỉ là chủ trương để nghiên cứu.
Về quan điểm cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Dự án này quá cần thiết. Quy mô của cảng hàng không như thế rất cần thiết cho sự phát triển trong tương lai, trong điều kiện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải”. Bà Kim Ngân cũng dẫn băn khoăn của một số ý kiến cho rằng có 1.500 ha chưa sử dụng hết và sân bay Tân Sơn Nhất có thể mở thêm đường băng, nhưng khó khăn lớn nhất là không thể giải tỏa dân để mở đường, độ an toàn trên không của Tân Sơn Nhất cũng không đảm bảo. Như thế, đáp ứng sự phát triển tương lai, quy hoạch phát triển hạ tầng của ngành hàng không, nhu cầu thực tế có.
Vấn đề đặt ra, lo nhất tình hình nợ công thì vốn xây dựng sân bay lấy ở đâu ra. “Nhưng đến giai đoạn 2020-2030 mới khai thác dần dần chứ không phải thực hiện ngay mà có lộ trình”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Quốc hội rất cần nghị quyết để minh bạch hiệu quả đầu tư, chi phí đầu tư sân bay, khái toán là cao so với các sân bay khu vực. Bộ Giao thông vận tải chưa đưa ra con số cụ thể để nói cao hay thấp. “Nếu không khéo lại thành sân bay đắt nhất hành tinh giống như con đường đắt nhất hành tinh. Đây là vấn đề quan trọng”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị khi trình ra thì tổng mức đầu tư phải rõ ràng, khái toán phải so sánh bằng, cao hay thấp hơn với các sân bay có cùng khu vực của chúng ta, chung quanh mình như Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Cách tính tỷ lệ hoàn vốn cũng phải tính lại cho rõ ràng. Khi khai thác Long Thành đồng thời với khai thác sân bay Tân Sơn Nhất chứ không phải đóng cửa Tân Sơn Nhất. Có nghĩa, chúng ta phải tính khai thác hết công suất của sân bay Tân Sơn Nhất (25 triệu lượt hành khách/năm), rồi tính hành khách, hàng hóa khi đầu tư sân bay Long Thành.
Sau khi nghe nhiều ý kiến phát biểu trước mình, đại biểu Bùi Thị An bắt đầu phần thảo luận của mình bằng lời “than”: “Tôi thấy giằng xé giữa hai luồng ý kiến, bên ủng hộ sắc sảo, bên phản đối lý lẽ cũng rất rõ ràng”. Bày tỏ tâm tư của mình, đại biểu Bùi Thị An cho rằng: “Giao thông bao giờ cũng nên đi trước một bước. Nếu đi sau sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của dân trí, của đất nước. Quốc hội nên cho chủ trương đầu tư, nếu sau này mới cho chủ trương thì sẽ muộn, không đón nhận được cơ hội phát triển”.
Đồng quan điểm ủng hộ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình và nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý làm sân bay Long Thành cho rằng không thể mở rộng Tân Sơn Nhất hay Biên Hòa vì chẳng ai làm sân bay trong thành phố hàng triệu dân, ảnh hưởng tới an toàn bay và đời sống người dân; nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì kinh phí tương tự làm sân bay Long Thành, trong khi xây dựng mới sân bay Long Thành thì có ý nghĩa về lâu dài, có không lưu tốt hơn, cải tiến được công tác quản lý, phục vụ của ngành hàng không, cạnh tranh được với các sân bay trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.
“Nếu gắn dự án sân bay Long Thành vào bối cảnh nợ công tăng cao như hiện nay, nhiều đại biểu sẽ nói không nên đầu tư. Tuy nhiên nếu để dừng lại, Quốc hội không cho chủ trương xây dựng thì các đơn vị thực hiện sẽ lùi thời hạn chuẩn bị lại, đến lúc làm sẽ lại chậm thêm”, đại biểu Chu Sơn Hà nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình xây dựng sân bay Long Thành vào lúc này chiếm tỷ lệ cao hơn. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch nêu nợ công sát đỉnh trong 2 năm tới mà triển khai dự án này khiến nợ công càng thêm nguy hiểm. Với đại biểu Thạch, dự án sân bay Long Thành là “quá sức tưởng tượng”: “Nếu làm mà không triển khai được, lỗ ai chịu? Cuối cùng là Chính phủ và nhân dân chịu. Nếu thấy quá tải vẫn có thể nâng công suất của Tân Sơn Nhất lên 20 triệu khách/năm...” Ngoài vấn đề “tiền nong”, nhiều đại biểu ở các đoàn lo lắng kinh nghiệm quản lý, phục vụ của nước ta không đáp ứng được chất lượng dịch vụ của một sân bay trung chuyển quốc tế. Đại biểu Trịnh Thế Khiết lo ngại tình trạng dự án “vẽ” ra rất hay nhưng khi đầu tư thì “còn nhiều tồn tại, rất lãng phí”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội cho ý kiến thẳng thắn, tiếp tục xin ý kiến xây dựng chứ không “bác” ngay dự án”.
B.T