.

Bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

.

Chiều 12-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi và Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Về dự án Luật ATVSLĐ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ như không triển khai kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ nơi làm việc, không tổ chức khám sức khỏe, không khai báo đầy đủ tình trạng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, không thực hiện đúng chế độ đối với người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…

Theo ĐB Thân Đức Nam, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mang tính chất là quỹ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động đóng. Vì vậy, ĐB nhất trí bổ sung thêm hai nội dung chi từ quỹ này cho tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đây chính là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. ĐB cho rằng, lao động là vấn đề của toàn xã hội; do đó, mọi đối tượng, thành phần trong xã hội đều có nhu cầu và nguyện vọng tham gia lao động. Vì vậy, ĐB đề nghị sửa lại khoản 4 Điều 6 theo hướng phải chú ý đến yếu tố giới, cấm các hành vi phân biệt đối xử dưới mọi hình thức trong bảo đảm ATVSLĐ.

Về dự án Luật NVQS (sửa đổi), Trung tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhận định, việc bảo đảm tính công bằng trong thực hiện NVQS là vấn đề lớn đặt ra bởi hằng năm tỷ lệ công dân nhập ngũ chiếm 0,12% so với tổng dân số và 5,87% so với tổng số công dân đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ là 4,94%, con em nông dân chiếm 80%.

Vì vậy, ĐB cho rằng vấn đề quan trọng là làm sao thể hiện công bằng trong tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Theo ĐB, dự thảo luật lần này bổ sung thêm trường hợp công dân phục vụ trong các lĩnh vực Cảnh sát biển, Công an nhân dân, dân quân tự vệ cũng được công nhận như thực hiện NVQS vừa bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, vừa bảo đảm công bằng xã hội.

ĐB Lê Văn Hoàng đồng tình với độ tuổi gọi nhập ngũ (Điều 32) trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; riêng công dân tốt nghiệp đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi. Theo ĐB, quy định này sẽ giúp quân đội có thêm nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản từ các trường chính quy tham gia xây dựng quân đội, có điều kiện chuyển sang làm sĩ quan, hoặc quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân đội.

ĐB Lê Văn Hoàng cho rằng, Điều 21 quy định thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ 24 tháng là phù hợp, vì mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân - binh chủng tiến lên hiện đại. Hiện nay, quân đội được trang bị các trang thiết bị hiện đại nên các lực lượng không quân, hải quân, thông tin, pháo binh, tên lửa cần phải được huấn luyện kỹ về tính năng, tác dụng, sử dụng thành thạo các loại vũ khí. Hơn nữa, quy định như vậy mới có thời gian huấn luyện, tập luyện, diễn tập hiệp đồng các quân - binh chủng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.