Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhân dịp này, ông Đinh Văn Hiệp (ảnh), thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc BHXH Đà Nẵng trao đổi với Báo Đà Nẵng về vấn đề này.
* Phóng viên (PV): Thưa ông sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, kết quả vận động tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có thay đổi gì không?
- Ông Đinh Văn Hiệp: Công tác BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã duy trì kết quả tốt trong nhiều năm qua. Đặc biệt, thành phố đã đạt được độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân 91% từ rất sớm và cao hơn mục tiêu của cả nước đến năm 2020 phải đạt 80%. Có được kết quả là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ và quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, thành viên các cấp. Sau khi có Nghị quyết số 21-NQ/TW sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố càng mạnh mẽ hơn.
Có thể khẳng định, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường và nhận thức của người sử dụng lao động (LĐ), người lao động (NLĐ) về thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đã có sự chuyển biến rất tích cực. Kết quả cụ thể là số NLĐ tham gia cũng như số thu BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn thành phố từ năm 2012 đến nay năm sau đều cao hơn năm trước.
* PV: Thưa ông, mục tiêu thứ tư trong Nghị quyết 21-NQ/TW đã xác định: Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Hai năm qua ngành BHXH Đà Nẵng có những chuyển biến như thế nào để tiến tới mục tiêu này?
- Ông Đinh Văn Hiệp: Có thể nói, đây là kim chỉ nam định hướng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH phải nỗ lực vươn lên về mọi mặt, vừa “hồng” vừa “chuyên” để xứng đáng là “công bộc” của nhân dân.
Trong 2 năm qua, BHXH Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành chuyên môn nghiệp vụ và cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, ngành đang áp dụng khoản 12 chương trình phần mềm về nghiệp vụ, đặc biệt, từ năm 2013, ngành BHXH thành phố đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 và triển khai thí điểm áp dụng phần mềm hồ sơ điện tử iBHXH đến các đơn vị sử dụng lao động.
Bộ phận “một cửa điện tử” tại cơ quan BHXH từ thành phố đến quận, huyện đều trang bị màn hình cảm ứng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu muốn biết, kiểm tra về quá trình tham gia BHXH, BHYT của người lao động.
Bảo hiểm xã hội thành phố đã chú trọng đến công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ theo vị trí việc làm, yêu cầu quản lý theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, chức danh quản lý. Đảng ủy cơ quan tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức về nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ theo tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Tại Văn phòng BHXH thành phố đã áp dụng kiểm soát ngày công làm việc bằng thiết bị nhận dạng vân tay từ cuối năm 2013 nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về lề lối làm việc trong công chức, viên chức. Tính đến hết tháng 10-2014, toàn ngành BHXH tiếp nhận 809.596 hồ sơ, trả kết quả 743.419 hồ sơ đúng theo phiếu hẹn, số còn lại đang thụ lý giải quyết. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về dịch vụ công của BHXH thành phố đến ngày 31-10-2014, có 747 lượt đánh giá, trong đó rất hài lòng và hài lòng chiếm 98,26%, chấp nhận được chiếm 1,47% và không hài lòng chỉ chiếm 0,27%.
* P.V: Ông đánh giá mức độ người sử dụng LĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trốn đóng, nợ kéo dài BHXH, BHYT như thế nào ?
Ông Đinh Văn Hiệp: Đến cuối tháng 10 năm 2014, toàn thành phố có 1.079 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền 103,5 tỷ đồng.
Có thể nói, tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị, doanh nghiệp rất đa dạng với diễn biến phức tạp mà nguyên nhân là do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng LĐ còn hạn chế, nhất là khu vực tư nhân, do vậy việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra.
Cũng có những trường hợp người sử dụng LĐ hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ, nhưng lại cố tình không đóng hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn hoặc chiếm dụng do lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt thì chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe cao; người lao động thì do áp lực việc làm, lại chưa nhận thức hết được lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT...
* P.V: Để hạn chế tình trạng này cần phải làm gì thưa ông ?
- Ông Đinh Văn Hiệp: Ngành BHXH sẽ đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và phát huy đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đồng thời bảo đảm tính bình đẳng về chính sách BHXH, BHYT trong cơ chế kinh tế thị trường.
Để bảo đảm tính nghiêm minh trong việc thực thi chính sách BHXH, BHYT, hạn chế tối đa việc xâm hại lợi ích của người lao động, gây thiệt hại, thất thu cho Quỹ BHXH và ngân sách Nhà nước, cần bổ sung trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài, tội chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động.
* P.V: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
ANH CHUNG-NGUYỄN TÂN
thực hiện