Vừa đúng 6 tháng kể từ khi Đà Nẵng cùng cả nước lập trạm cân xe quá tải lưu động trên địa bàn (1-4), sau rất nhiều chiêu né tránh, đến nay đa phần tài xế xe tải đã bắt đầu làm quen với việc chở đúng tải, số ít vẫn chở quá tải nhưng tìm cách né tránh trạm cân thay vì cách hành xử ngông nghênh, thách đố như trước đây.
Hướng dẫn xe tải qua bàn cân tại trạm cân tải trọng xe trên quốc lộ 1A. |
Yếu tố khách quan là đang vào mùa mưa nên hoạt động của cánh xe ben chở đất san lấp các công trình trên địa bàn thành phố ít đi, một số còn hoạt động không chở quá tải và nối đuôi nhau ào ào lao đi trên đường như trước đây. Trên tuyến quốc lộ 14B và quốc lộ 1A (đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm đến đường đi xã Hòa Tiến), đường Võ Chí Công... mật độ xe lưu thông trên đường giảm hẳn, số ít xe hoạt động cũng chở lượng đất chỉ vừa đầy thùng. Cá biệt, nhiều xe ben loại thùng lớn như xe hiệu DONFFENG chỉ chở ở mức 2/3 thùng.
Tài xế Nguyễn Đông Q. điều khiển xe ben BKS 43C. 456.0… cho biết: “Chúng tôi làm tài xế, tiền công tính theo từng chuyến chứ có tính khối lượng đất cát chở đâu mà cố chở quá tải cho bị phạt. Tuy nhiên, chủ xe lại tính với các đơn vị san lấp mặt bằng bằng khối lượng, vì vậy lúc nào họ cũng thúc ép chúng tôi phải cố chở thật nhiều. Cũng vì công việc nên chúng tôi phải nghĩ ra đủ cách để né như chờ nhau đi thành từng đoàn, hoặc nhờ xe ôm “trông chừng” Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua bị phạt nhiều quá, có người bị tước giấy phép lái xe nên chúng tôi không chịu chở quá tải nữa. Từ đầu tháng 10, chúng tôi và chủ xe đã thống nhất là chỉ chở đúng tải, nhưng với điều kiện là tiền công của chúng tôi phải chịu giảm xuống 10% so với trước”.
Trong khi đó, tại Trạm cân xe quá tải đặt trên quốc lộ 1A đoạn gần chân cầu Hòa Phước cũng rơi vào cảnh khá im ắng, vì hiếm khi phát hiện xe quá tải để yêu cầu vào cân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian đầu, các tài xế giở nhiều chiêu như tập trung thành cả đoàn xe dài, đợi lúc nhân viên trạm ăn cơm là ào ào vượt trạm; hoặc phổ biến nhất là ngày nghỉ, đêm chạy bù để tránh trạm.
Tuy nhiên, với cách đối phó như vậy, thời gian vận chuyển trên đường kéo dài làm cho hàng hóa dễ bị hư hỏng, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, trái cây, hàng đông lạnh. Vì vậy, gần đây các tài xế đã thực hiện chở đúng tải để bảo đảm hợp đồng giao hàng.
Đặc biệt, từ tháng 9 năm nay, ngoài trạm cân trên quốc lộ, thành phố Đà Nẵng còn thành lập thêm đội cân xe lưu động để xử lý các xe cố tình chở quá tải tìm cách né trạm cân. Liên tiếp trong những ngày đầu ra quân đã có chục trường hợp chở quá tải bị phát hiện và hầu hết đều bị xử phạt nghiêm. Trung tá Nguyễn Văn Minh, Đội phó Đội liên ngành kiểm tra xe quá tải thành phố cho biết, việc lập thêm đội kiểm tra lưu động đã có tác động tích cực đến các tài xế xe tải là không còn chở quá tải.
Để duy trì những kết quả trên, ngành chức năng và Đội liên ngành kiểm tra xe quá tải cần tăng cường hoạt động hơn nữa, nhất là bảo đảm thường trực 24/24 giờ. Có như vậy, cánh tài xế xe tải chấp hành đúng quy định vận tải hàng hóa, bảo đảm an toàn giao thông.
Từ ngày 1-4 đến tháng 10-2014, qua hoạt động của trạm cân xe lưu động đã phát hiện 1.389 xe chở quá tải, lập biên bản xử phạt 2,5 tỷ đồng, tước có thời hạn 733 giấy phép lái xe. Đội liên ngành kiểm tra xe quá tải xử lý 70 trường hợp xe chở quá tải, hầu hết trong số này chở vượt tải trên 50%, cá biệt nhiều trường hợp chở quá tải từ 200-300%. |
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN