Tôi là người cùng tuổi và đồng hương Điện Bàn với anh Lân, nhưng mãi đến khi anh về đảm nhận Bí thư Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng tôi mới có dịp trực tiếp làm việc với anh.
Đồng chí Mai Thúc Lân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (thứ 2 từ trái qua) tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Nhà xuất bản Đà Nẵng (ảnh tư liệu). |
Còn trước đó, thì văn kỳ thanh, được nghe nhiều chuyện đầy ấn tượng về anh.
Hồi ở Hà Bắc, khi là một quan chức đầu tỉnh, do anh thẳng thắn và kiên quyết xử lý một vụ tiêu cực tham nhũng, một phần tử xấu đã ném lựu đạn vào nhà tắm (một cái nhà tắm tuềnh toàng) mưu sát anh không thành.
Những năm đầu 80, Giáo sư Trần Quốc Vượng, bạn cùng học tiểu học của tôi, thường hay vào Quảng Nam-Đà Nẵng công tác đi điền dã. Có hôm Giáo sư nói với tôi “tỉnh đi đầu miền Bắc trong biên soạn địa chí là Hà Bắc. Và ông có biết không, chủ trì công trình này lại là một người Quảng, ông Mai Thúc Lân. Bây giờ ông nắm công tác văn hóa ở vùng địa linh nhân kiệt này, ông phải làm được việc đó, nếu không thì phải nói là ông quá xoàng”. Tính Trần Quốc Vượng là vậy, khi thân thiết thì nói thẳng, bỗ bã.
Từ chuyện này, tôi biết anh Lân yêu mảnh đất Hà Bắc, quê hương thứ hai của anh nhiều lắm, và anh luôn nặng lòng với công tác văn hóa, có tầm nhìn văn hóa. Tôi còn được biết mấy anh em anh khi tập kết ra Bắc đều rất trẻ và học hành lóp lép. Vậy mà trên đất hậu phương lớn, tất cả đều vươn lên phương trưởng, thành đạt, đều là những người có văn hóa thực. Anh đầu của anh Lân là Tiến sĩ Mai Thúc Luân, một chuyên gia gạo cội của Bộ Văn hóa. Kế đó anh Mai Thúc Long là Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Người thứ ba là anh Lân, một kỹ sư nông nghiệp nhưng thường làm thơ, viết báo. Người thứ tư là Giáo sư, tiến sĩ Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Quốc học.
Mùa xuân năm 1994, anh về đảm nhận cương vị người đứng đầu Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng trong một tình huống đặc biệt. Cùng một lúc Bộ Chính trị điều động hai đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đang có trọng trách ở các cơ quan thiết yếu của Trung ương về làm Bí thư và Chủ tịch một tỉnh. Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng, một Đảng bộ ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, dày dạn trong thử thách của chiến tranh, từng viết nên tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, giờ đây đang rất cần một con người, một ngọn cờ để tập hợp, đoàn kết tất cả chung sức chung lòng đẩy mạnh công cuộc đổi mới với niềm tin tất thắng.
Sâu sát thực tiễn, không chỉ ngồi ở bàn giấy đọc và nghe báo cáo, nhanh nhạy nắm bắt tình hình và có những kiến giải sắc sảo, những quyết định táo bạo cả về công việc và con người. Tuy đôi lúc có những ý kiến gai góc làm mếch lòng người này người kia. Nhưng trên tất cả ai cũng đều thấy ở anh một tấm lòng, một tấm gương, một sự vô tư trong sáng.
Anh Lân về với Quảng Nam-Đà Nẵng 1994 rồi với Quảng Nam 1997 đúng vào lúc hai nơi này cần một người đứng mũi chịu sào như thế.
Dẫu chưa thật mười phân vẹn mười, nhưng gần 3 năm, một khoảng thời gian ngắn ngủi, anh Lân đã ghi dấu ấn đẹp trên mảnh đất quê hương, nơi anh từng đau đáu với bao nỗi niềm trăn trở. Sao mình lại không có mặt ở nơi này những tháng ngày dữ dội nhất? Sao mình lại về với quê hương chậm như thế này?
Anh Lân là người có tiếng nói quyết định trong việc bố trí anh Nguyễn Bá Thanh về làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh lúc đó, và trực thuộc Trung ương sau đó vài năm).
Tình hình Đà Nẵng sau vụ tín dụng Thành Công đổ bể có thể nói là khủng hoảng cán bộ đang cần một người có bản lĩnh mạnh mẽ chèo chống.
Anh Lân lại nhắm vào một người có kinh lịch dày dạn chuyện nhà nông, từng là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, Giám đốc nông trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp… Không phải không có ý kiến phản bác “ông Lân bắt nông dân cày đường nhựa”. Nhưng anh Lân biết cái mà Đà Nẵng cần lúc này là một người dám quyết định và dám chịu trách nhiệm.
Tôi nhớ một buổi tối tháng mười, sắp đi công tác nước ngoài, một chuyến đi có thể có rắc rối, tôi đến gặp Bí thư báo cáo, xin ý kiến.
Anh có vẻ hờ hững với những điều tôi trình bày, lại dặn đi dặn lại tôi ra Hà Nội tìm gặp Nguyễn Bá Thanh nói về ngay gặp Bí thư có việc gấp. Tôi có cảm tưởng, nếu Nguyễn Bá Thanh không sớm nhận quyết định thì công việc không triển khai được và có thể quay 180 độ.
Bây giờ chưa phải là lúc đánh giá mọi việc, nhưng sự thay đổi, phát triển như trong mơ của Đà Nẵng vừa qua, cuộc đời của đông đảo người dân thành phố hiện nay có thể cho ta thấy anh Lân là người.
Có con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
Mùa hè đầu sau ngày chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi vào Tam Kỳ ghé thăm anh Lân. Cơ quan Tỉnh ủy đóng tạm nơi trụ sở APK (một dạng tổ hợp nông, công nghiệp, một kiểu nông trường) dày đặc các mảng, các khối, các con đường bê-tông. Dưới nắng hè gay gắt, cái nóng từ trên trời phả xuống, từ mặt đất bốc lên, ngột ngạt hết mức. Anh em cán bộ, nhân viên văn phòng Tỉnh ủy, người ở dưới phố, người về Đà Nẵng, cơ quan vắng hoe. Chị Khanh nói vui “chỉ thiếu tiếng vượn hú thì như ở rừng”.
Đúng là ở đây không có bom rơi đạn nổ, không phải trèo đèo lội suối, nhưng với một người đã ngoài 60, từng lăn lộn với đồng ruộng đất kinh Bắc, hết nghiêng đồng đổ nước ra sông, lại vắt đất ra nước thay trời làm mưa, rồi xông pha giúp bạn ở chiến trường K với vết thương trên người, mới được lai kinh bắt đầu có “quyền cao chức trọng” thì lại điều về đứng đầu một Đảng bộ lớn với bao khó khăn, phức tạp chờ đợi. Nghe đâu trong buổi gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười, anh Lân có báo cáo “tôi ở K về cùng với vết thương trong người, sức khỏe giảm sút, nay chỉ còn 42kg” nhưng rồi anh vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ. Dù sao thì đây cũng cứ là một cuộc dấn thân, một chuyến lên đường.
Ngày nay, dấn thân lên đường chỉ là chuyện của thế hệ trẻ, còn với lứa U60 không biết cùng với anh, sau anh có lão tướng nào cũng dấn thân, cũng lên đường như anh. Nghe nói nhiều người cùng đẳng cấp như anh đã hạ cánh an toàn với bao nhiêu là biệt thự hoành tráng và những két sắt đầy đô-la mà nhòa lệ thương kính anh.
Có một bữa tôi hỏi chị Khanh về mấy câu vè mới nghe được:
Bà Đằng, bà Luận, bà Tề
Cả ba bà ấy chẳng mê bà nào
Bà Đằng thì giá quá cao
Bà Luận hai món chiên xào quanh năm
Bà Tề có giá bình dân
Nhưng xem ra lại kém phần vệ sinh
Chi bằng về với bà Khanh
Chị cười: “thì mấy chục năm nay vợ chồng tôi luôn như thế này. Giờ đây tôi chỉ có một nhiệm vụ là chăm sóc ông ấy miếng cơm chén nước, ông ấy không về với tôi thì về với ai?”.
Chị Khanh ơi, hôm nay anh Lân không về với chị mà về với đất mẹ. Cầu chúc và chắc chắn là chuyến lên đường cuộc dấn thân này sẽ đem lại cho anh niềm vui, sự thanh thản.
Với người con trung hiếu, rất mực vô tư, trong sáng như anh Lân, đất mẹ sẽ mở lòng, ân cần, thân thiết đón nhận.
NGUYỄN ĐÌNH AN