Chính trị - Xã hội

70 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng

Chiếc huy hiệu của người anh hùng

08:00, 16/12/2014 (GMT+7)

Không ít lần tôi chứng kiến Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân, nâng niu chiếc huy hiệu mang hình con số 1 mà ông được tặng thưởng khi học tập tại Liên Xô cũ.

Đầu năm 1966, các trung đoàn tên lửa 275 và 278 được Bộ Quốc phòng bố trí sang Trung tâm huấn luyện Stan-trai ở sa mạc Xtan-ca, tỉnh Pa-pu, thuộc nước Cộng hòa Xô-viết Azerbaijan, học tập và huấn luyện chiến đấu trong 6 tháng. Trong đoàn quân ấy có Nguyễn Lành và các học sinh miền Nam vừa tốt nghiệp trường bưu điện, mới nhập ngũ tháng 12-1965. Lãnh đạo trung tâm gồm có Đại tá Be-lô-nhin và Trung tá Nu-rắc-mét-tốp phụ trách chính trị cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hồng quân Liên Xô đã tổ chức đón tiếp đoàn CBCS của Việt Nam rất nhiệt tình, nồng hậu.

Cuối khóa huấn luyện, Trung tâm tổ chức kiểm tra bắn đạn thật. Kết quả kiểm tra chức năng và lý thuyết đều đạt 5/5 điểm, sĩ quan điều khiển - Trung sĩ Nguyễn Lành được sắp xếp bắn đợt đầu tiên của đội hình Trung đoàn 275. Trước khi vào tuyến chuẩn bị, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Duy Biên dặn dò: “Lành chú ý nhé! Khi vào bắn, được phép bắn 3 quả cho một mục tiêu và hai loạt là 6 quả”.

Thật ra trong quá trình huấn luyện, Nguyễn Lành đã nắm chắc quy định xạ kích khi bắn cao không (tức là bắn máy bay tầng cao) phải bắn từng quả một, đánh giá kết quả xong mới bắn quả thứ hai. Vì bắn quả đầu ở cự ly xa nhất khoảng 38-39km là nhấn nút phóng nên đủ thời gian, cự ly để bắn tiếp 2 quả còn lại nếu quả trước bắn trượt. Tuy nhiên, lời căn dặn của người chỉ huy cũng giúp anh củng cố yếu tố tâm lý là người bắn mở màn cho toàn đơn vị.

“Kíp bắn của tôi do anh Nguyễn Duy Biên ngồi ghế tiểu đoàn trưởng, mới vào đầu anh cẩn thận nhắc tôi chú ý đừng bắn ẩu. Tôi nghĩ anh nhắc cũng phải nhưng trên xe điều khiển lúc này ngoài kíp chiến đấu còn có các chuyên gia của bạn đứng quan sát nhất cử nhất động của mình thì dẫu có muốn bắn ẩu cũng không được. Mặt khác, tôi là người bắn đầu tiên của trung đoàn nên càng phải cẩn trọng”, Đại tá Nguyễn Lành nhớ lại.

Ông nói tiếp: “Tôi không hiểu lúc đó vì sao mình bình tĩnh đến lạ kỳ. Mặc cho camera và hơn chục người theo dõi từng động thái của mình, tôi vẫn bám sát mục tiêu. Khi tín hiệu vào cự ly cho phép, tôi nhấn nút phóng, trên màn hình sĩ quan điều khiển bùng lên một màu trắng xóa”. Như vậy, chỉ với một quả tên lửa đầu tiên, người sĩ quan trẻ đã bắn rơi ngay mục tiêu cao không.

Đến lượt bắn máy bay tầm thấp có độ cao 500 mét, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Duy Biên lại nhắc: “Nhớ được bắn 3 quả đấy”. Mục tiêu lần này là một tấm phản xạ do máy bay AN2 bay trên cao thả dây xuống; khoảng cách giữa máy bay và tấm phản xạ cách nhau 500 mét. Trên màn hình hiện sóng xuất hiện hai mục tiêu có khoảng cách khá gần và phương vị hơi lệch nhau, bài bắn yêu cầu chỉ được ngắm mục tiêu dưới. Do tính chất mục tiêu như vậy nên các chuyên gia giám sát rất chặt chẽ, khi nào kiểm tra đúng rồi họ cho bắn mới được bắn.

Lúc đó, máy bay AN2 vẫn trong vùng phủ sóng nhưng ở độ cao không thể trúng được. Mặc dù quy định xạ kích cho phép bắn 3 quả nhưng Nguyễn Lành quyết định đánh táo bạo: quả thứ nhất đánh ở cự ly 18km với độ cao 500 mét, nếu không trúng sẽ phóng tiếp quả thứ hai. Tiểu đoàn trưởng Biên bảo bắn 2 quả, anh trả lời: “Báo cáo anh, nếu quả 1 không được, còn đủ điều kiện thì mình bắn quả 2 vẫn kịp”.

Mục tiêu bay tốc độ chậm, gần như cố định. Nguyễn Lành nhấn nút quả 1, đạn có điều khiển tốt, trắc thủ chủ động vào bám sát tự động, anh nghĩ bụng chắc không cần đến quả thứ hai. Bất thần, màn hình sĩ quan điều khiển trước mặt anh bừng sáng cùng với tiếng hô vang cả trường bắn “số 1”. Ngay lập tức, đồng chí tham mưu trưởng trường bắn mở cửa cabin, kéo anh xuống rồi công kênh lên vai chạy thẳng vào Sở Chỉ huy cách khu vực khí tài khoảng 300-400 mét.

Nguyễn Lành chỉ nghe được loáng thoáng tiếng Nga: “Trung sĩ Lành. Trung sĩ Lành”. Trong niềm vui vỡ òa, Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Hữu Hùng chạy theo dặn với: “Lành! Nếu bạn hỏi tại sao bắn ít đạn thì cháu nói Việt Nam ít đạn nên phải bắn tiết kiệm”.

Vào đến Sở Chỉ huy, Nguyễn Lành được các bạn đón tiếp như người hùng. Qua phiên dịch, anh được biết từ khi thành lập trường bắn đến nay, chưa ai bắn táo bạo như anh. Nguyên tắc bắn 2 loạt cho phép 6 quả mà Trung sĩ Lành chỉ bắn 2, trong lịch sử trường bắn chưa có. Với thành tích trên, Nguyễn Lành đã được chỉ huy Trung tâm huấn luyện của bạn tặng bằng khen và một chiếc huy hiệu mang số 1.

Tháng 8-1966, đoàn CBCS Trung đoàn 275 và 278 lên đường về nước, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người sĩ quan điều khiển năm ấy đã cùng đồng đội rong ruổi trên khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam, sang nước bạn Lào bảo vệ đường 559… Năm 2001, ông về hưu với quân hàm Đại tá, chức danh Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 và tham gia làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đến năm 2012.

NGUYỄN SỸ LONG

.