Chính trị - Xã hội
Chia sẻ với phụ nữ nghèo
Sự nỗ lực chăm lo đời sống cho các hộ nghèo của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã góp phần nâng đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, giúp họ có thêm niềm tin, vươn lên trong cuộc sống.
Chương trình “Mái ấm tình thương” của Hội LHPN thành phố đã giúp nhiều phụ nữ nghèo an cư. Trong ảnh: Bà Võ Thị Hường nhận bàn giao “Mái ấm tình thương” vào tháng 6-2014. |
An cư, ổn định cuộc sống
Ngày Hội LHPN thành phố bàn giao mái ấm tình thương, bà Võ Thị Hường (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) rưng rưng nước mắt vì từ nay có ngôi nhà tránh mưa, tránh bão. Vốn thuộc vùng trũng thấp, trải qua những cơn bão năm 2012 và 2013, nhà bà Hường gần như đổ sập, phải chằng chống để sống tạm. Sau khi khảo sát, Hội LHPN thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương để xây mới ngôi nhà cho bà Hường.
Ngoài trường hợp bà Hường, năm 2014, Hội LHPN thành phố xây nhà mới cho 10 hộ, sửa chữa 78 ngôi nhà; xây dựng, sửa chữa 27 công trình vệ sinh cho phụ nữ nghèo thành phố với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Những mái ấm tình thương đã góp phần giúp phụ nữ nghèo an cư, rồi tính đến chuyện lập nghiệp.
Không chỉ cần một mái ấm, nhiều phụ nữ có cuộc sống khó khăn và cần sự trợ giúp để có việc làm, tạo thu nhập. Dựa vào nhu cầu thực tế của chị em, Hội LHPN thành phố có sự hỗ trợ cụ thể. Năm 2014, Hội đã hỗ trợ hơn 650 triệu đồng cho 245 hộ phát triển kinh tế gia đình (trong đó cho 215 hộ mượn vốn không lấy lãi với hơn 602 triệu đồng, hỗ trợ vốn không hoàn lại cho 33 hộ với gần 52 triệu đồng); hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 365 hộ nghèo và phụ nữ đơn thân đặc biệt nghèo; tặng vật dụng gia đình như quạt, nồi cơm điện, bàn ghế, các dụng cụ sinh hoạt gia đình cho 968 hộ với hơn 300 triệu đồng… Từ phương tiện sinh kế được tặng, nhiều chị em phụ nữ đã cải thiện cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thủy (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) kể: Thấy hoàn cảnh tôi đơn chiếc (làm mẹ đơn thân, thuộc hộ đặc biệt nghèo) nên Hội LHPN xã xem xét và đề xuất với Hội LHPN thành phố tặng phương tiện sinh kế.
“Từ một con bò giống được tặng, tận dụng thức ăn sẵn có ở vùng quê, tôi học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi, đến nay đã có 3 con bò và chuẩn bị có lứa tiếp theo. Cách trao “cần câu” để người nghèo như chúng tôi “kiếm cơm” của Hội LHPN rất thiết thực”, chị Thủy bày tỏ.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố chia sẻ: “Không nhớ hết bao nhiêu chuyến mang phương tiện sinh kế đến trao cho các chị, nào là xe nước mía, xe máy, máy may, máy bơm hơi sửa xe, tủ bán hàng, tủ kem, máy xay thịt, gà giống, bò giống…, nhưng tôi nhớ rất rõ những giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn dài trên những gương mặt ấy vì có phương tiện để mưu sinh”.
Để thực hiện những điều này, Hội LHPN phải huy động kinh phí từ “nội lực”, thông qua các mô hình thực hành tiết kiệm như “Nuôi heo đất”, “Ống tre tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”… Ngoài việc vận động từ chính hội viên, các cấp Hội tích cực khai thác, triển khai thực hiện và quản lý hiệu quả các chương trình, dự án được tài trợ và tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cá nhân…
Dù sát cánh với phụ nữ nghèo và có được những kết quả đáng ghi nhận nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, những người làm công tác phụ nữ vẫn luôn trăn trở vì còn nhiều phụ nữ có đời sống khó khăn cần được trợ giúp.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục sâu sát, nắm chắc tình hình phụ nữ trên địa bàn thành phố để kịp thời cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng để chăm lo tốt đời sống của phụ nữ nghèo thành phố thì cần sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp…
Bài và ảnh: NGỌC HÀ