Chính trị - Xã hội

Cho bé... "chơi" với thức ăn

08:03, 11/12/2014 (GMT+7)

Bác sĩ Ngô Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố Đà Nẵng, cho biết tỷ lệ trẻ bị biếng ăn trên thế giới và tại Việt Nam rất cao, chiếm trên 60%. Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là vì trẻ “bị” ăn trong thời gian dài nên dẫn đến sợ ăn.

Ăn dặm đúng cách giúp trẻ tránh tình trạng biếng ăn.(Ảnh mang tính minh họa)
Ăn dặm đúng cách giúp trẻ tránh tình trạng biếng ăn.(Ảnh mang tính minh họa)

Một cách ăn dặm mới được khuyến cáo gần đây là “Ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy” (Baby Led Weaning - BLW), hay nói cách khác là để bé tự “chơi” với thức ăn một cách tự nhiên nhất.

Chưa ăn đã sợ

Cảnh tượng những bà mẹ ôm bát cháo đứ đừ chạy theo con, trong khi đứa bé liên tục che miệng, bỏ trốn hoặc khóc thét đã trở nên quá quen thuộc trong những gia đình đang có trẻ nhỏ. Mỗi bữa ăn, mẹ mệt mỏi, thậm chí stress; còn con tỏ ra bướng bỉnh, cáu gắt và nôn trớ tất cả những gì mẹ đã nỗ lực bón từng thìa.

Bé Cà Rốt (đường Trần Cao Vân, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) được 17 tháng tuổi và đã ăn dặm gần một năm nay. Tuy nhiên, chừng đó thời gian bé làm quen và chính thức ăn dặm cũng là khoảng thời gian khủng hoảng của mẹ và bà ngoại. Thấy chén cháo là bé khóc. Ban đầu, “nhờ” bé khóc nên mới há miệng, vậy là bà tranh thủ đút được một muỗng cháo vào. Dần dần, bé biết “bài” nên chuyển sang trò ngậm miệng, chỉ khóc ư hử trong cổ họng.

Để đối phó với tình trạng này, mẹ đã học lóm chiêu… thoa ớt vào miệng để bé bị cay và khóc! Theo thời gian, ớt cũng không làm bé khóc nữa. Thế là cả nhà chỉ còn cách chạy theo bé rồi đút được muổng nào mừng muổng nấy. Bữa ăn của Cà Rốt nhanh nhất kéo dài một giờ đồng hồ, nhưng chỉ được một phần chén nhỏ và có khi là không đọng lại chút gì vì bé cố ọe ra cho hết.

Tại các phòng tư vấn dinh dưỡng trẻ nhỏ, các nhân viên y tế đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp như bé Cà Rốt. Thậm chí, có bé chỉ cần vừa nhìn thấy thức ăn mẹ mang ra, chưa nếm qua mà đã nôn thốc nôn tháo. Lo con không đủ chất để phát triển, lo con ốm yếu nên các ông bố bà mẹ càng tìm cách cho trẻ ăn thêm. Việc ăn trở thành cuộc “hành xác” không chỉ của con mà của cả cha mẹ, ông bà.

Bé là người quyết định chuyện ăn

Theo cách ăn dặm truyền thống, người chăm trẻ là người quyết định bé ăn gì, ăn ra sao và ăn bao nhiêu. Thức ăn được xay nhuyễn, mỗi bữa phải hết một bát lớn mới đủ no là cách làm và cách nghĩ của các bà, các mẹ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Văn Quang, hiện nay, các tổ chức y tế trên thế giới và tại Việt Nam khuyến cáo bà mẹ cho con ăn theo phương pháp bé tự chỉ huy. Với cách này, bé là người quyết định chọn món gì, ăn kiểu gì và ăn bao nhiêu. Qua đó, bé tự mình khám phá thức ăn và sẽ thích thú với bữa ăn.

Phương pháp này được áp dụng từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Đến giờ ăn, bé được ngồi vào bàn phù hợp với vóc đáng, độ tuổi. Bé sẽ tự bốc các thức ăn được bày sẵn và thưởng thức theo cách của mình. Hướng dẫn BLW cho thấy, mẹ không nên xay nhuyễn thức ăn mà cần cắt miếng, hầm mềm với đa dạng các loại thức ăn hấp dẫn.

Điều có thể khiến mẹ xót ruột khi cho con ăn theo phương pháp BLW là bé sẽ ăn không nhiều và bôi bẩn lung tung. Nhưng cũng qua cách tự mình khám phá thức ăn, bé không bị biếng ăn và còn học được nhiều điều bổ ích như học kỹ năng sử dụng tay và miệng xử lý thức ăn theo nhịp độ riêng của mình. Bé sẽ học cách kiểm soát thức ăn theo lượng và  kích thước phù hợp. Với việc tự cắn thành miếng để nhai, bé tiếp nhận được mọi dưỡng chất cần thiết và hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Tập nhai sớm cũng giúp phát triển các cơ mặt khi bé tập nói.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên rằng, tất cả các bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau tuổi này thì nên cho bé ăn thức ăn thô.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

.