Chính trị - Xã hội

Cần làm rõ các bất cập trong quản lý đất đai

07:53, 10/12/2014 (GMT+7)

(Trích Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách do ông Mai Đức Lộc, Trưởng ban, trình bày tại kỳ họp)

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa khôi phục bình thường, cùng với những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, giám sát của HĐND, UBND thành phố năng động điều hành, có nhiều biện pháp tích cực, xử lý kịp thời các vướng mắc, đặc biệt sự nỗ lực của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân tạo được sự tăng trưởng khá toàn diện.

Có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 6 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (giá trị ngành dịch vụ). Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước đạt 41.714 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2013 là kết quả quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng trong các năm tới.

Việc ban hành tương đối đồng bộ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Chương trình hành động “Năm doanh nghiệp 2014” không chỉ tạo nhận thức đúng về vai trò quan trọng của doanh nhân thành phố, mà còn là bước khởi động tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của thành phố, trước hết và quan trọng nhất là do sự phát triển của doanh nghiệp. Thực hiện kế hoạch XDCB năm qua đã có chuyển biến tích cực, chú trọng các dự án trọng điểm, chất lượng công trình và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Công tác quản lý đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn, việc khắc phục những thiếu sót được thực hiện có kết quả. Đặc biệt, việc rà soát quỹ đất các dự án tái định cư và công khai việc bố trí đất tái định cư còn nợ trong nhiều năm qua được lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Thu ngân sách từ phát sinh kinh tế tăng khá, nhất là từ thuế và phí đã góp phần quan trọng cân đối thu - chi ngân sách năm 2014 theo hướng bền vững, tích cực hơn. Nguồn thu từ đất đã giảm từ hơn 50% trước đây nay xuống còn khoảng 15%.

Ban Kinh tế-Ngân sách nhất trí với các nhận định, đánh giá về các kết quả nổi bật cũng như các tồn tại, thiếu sót trong báo cáo của UBND thành phố đã nêu. Qua kết quả giám sát, ban Kinh tế-Ngân sách nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Số DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động tương đương với số DN mới thành lập. Môi trường kinh tế thành phố vẫn chưa có bước đột phá vững chắc. Tuy tổng vốn đầu tư xã hội có tăng, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc tiếp cận nguồn tín dụng vẫn còn nhiều bất cập. Năng lực hấp thụ  tín dụng của các DN còn thấp, nhiều DN vay để đảo nợ các khoản vay với lãi suất cao trước đây.

Các dự án khả thi mới trong nước chưa nhiều. Số lượng và quy mô vốn trong các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giảm sút. Công tác thẩm định dự án, đặc biệt năng lực tài chính của các đối tác có nhiều bất cập. Việc dự án Khu công nghệ thông tin tập trung kéo dài quá lâu mà không triển khai, không chỉ làm mòn mỏi lòng tin của nhân dân vùng dự án, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghiệp của thành phố.

Cử tri hết sức hoan nghênh việc chỉ đạo quyết liệt xử lý nợ đất tái định cư vừa qua của thành phố, nhưng cũng hết sức bất bình về tình trạng “giấu” đất, không bố trí kịp thời cho dân tái định cư trong một thời gian dài. Ở đây không chỉ là sự vô cảm khi để hàng ngàn hộ dân phải đi tìm chỗ ở tạm sau khi bàn giao mặt bằng, mà còn là sự bất cập lớn trong tổ chức và quản lý về lĩnh vực quan trọng này. Vì sao đất thừa cả ngàn lô nhưng người dân không có chỗ ở?

Trong khi đó vẫn tiếp tục đầu tư làm thêm nhiều khu tái định cư mới. Vì sao có đất nhưng thành phố phải chi hàng chục tỷ đồng để trả tiền thuê nhà cho dân tái định cư? Vì sao đến nay vẫn còn hơn 27% tổng số hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất từ các ban quản lý, công ty bàn giao cho đơn vị mới thiếu hồ sơ hoàn chỉnh? Việc triển khai dự án thương mại Chi Lăng Plaza có khả năng phá sản là tín hiệu cần được phân tích toàn diện. Dư luận đang mong đợi thành phố làm rõ các bất cập trong công tác tổ chức và quản lý lĩnh vực đất đai.

Đà Nẵng tuy được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, tuy nhiên lượng khách quốc tế chưa nhiều và điều đáng quan tâm các chỉ số về thời gian lưu trú, mức tiêu dùng vẫn chưa có sự cải thiện căn bản. Nguồn đóng góp cho ngân sách từ lĩnh vực du lịch chưa tương xứng với đầu tư của thành phố. Đà Nẵng phát triển tốt về về cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú, nhưng dịch vụ cho một nền du lịch chất lượng cao (nhân lực, mua sắm, giải trí…) chưa đáp ứng yêu cầu.

Cơ chế hỗ trợ cho một số hoạt động du lịch chậm được ban hành, chưa chủ động tạo sản phẩm du lịch đặc sắc; việc chèo kéo du khách vẫn chưa khắc phục triệt để. Trong kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế, chưa giải quyết thỏa đáng bài toán lựa chọn ưu tiên giữa phát triển vùng du lịch ven biển với vùng dịch vụ hậu cần nghề cá và cảng biển.

Việc tổ chức, quản lý đô thị có sự tập trung đầu tư hơn, nhất là nội thị. Tuy nhiên việc lấn chiếm vỉa hè sau một thời gian chấn chỉnh nay có biểu hiện tái diễn. Tình trạng vi phạm giao thông như đi sai làn đường, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm vẫn chưa khắc phục căn bản. Việc tổ chức giao thông ở một số điểm chưa phù hợp. Những điểm nóng về ô nhiễm môi trường (sông Phú Lộc, Âu thuyền và trạm xử lý nước thải Thọ Quang, Khe Cạn, các bãi tắm ven biển...) vẫn chưa xử lý triệt để.

Tình trạng ngập nước (Quang Trung - Đống Đa, Hải Hồ, Đỗ Quang) vẫn tiếp diễn, trong đó khu vực Hải Hồ- Đầm Rong đã được đầu tư nhưng hiệu quả không cao; việc giải tỏa di dời hoặc hỗ trợ nâng nền nhà dân ở một số khu dân cư bị ngập chỉ là giải pháp tình thế. Tài nguyên rừng và khoáng sản của thành phố không nhiều, địa bàn không lớn nhưng công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản còn lơi lỏng. Nguy cơ rừng bị tàn phá nặng nề hơn nếu không có biện pháp chấn chỉnh đúng mức.

MAI TRANG lược trích

.