10 năm trước, những đứa trẻ nạn nhân chất độc da cam trong hình hài méo mó, dị dạng với nụ cười ngây ngô gần như chỉ giam mình trong bốn bức tường nhà. 10 năm sau, các em đã có thể đến lớp để học, để chơi, để vui sống. Đằng sau đó là những nỗ lực của Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thành phố Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Hiền (thứ 5, từ phải sang) cùng các em nạn nhân da cam nhận quà, tiền hỗ trợ. |
Bà Hiền “da cam”
Nhắc đến Hội NNCĐDC, người ta thường nhắc đến “bà Hiền da cam”. Cái tên “da cam” dường như đã trở thành biệt danh gắn với bà từ lúc nào không rõ cũng bởi tất cả tình cảm, tâm huyết cả cuộc đời bà đều dành trọn cho trẻ em da cam.
Người ta hầu như chỉ nhắc đến những con số: Hội NNCĐDC đã kêu gọi ủng hộ hơn 45 tỷ đồng để giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam trong cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất; Hội NNCĐDC đã vận động Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hỗ trợ 195.000 USD xây dựng cơ sở tại huyện Hòa Vang, vận động xây dựng Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng đầu tiên tại Đà Nẵng, v.v…
Thế nhưng, ít ai biết để có được những số tiền, những công trình dành cho nạn nhân da cam ấy, bà Hiền đã phải tranh thủ từng phút, từng giờ để đi vận động. Bà tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, trên diễn đàn, tại những cuộc gặp bên lề hội nghị hay tổ chức những chương trình để kêu gọi, kết nối các tấm lòng...
Đến bây giờ, từ năm 2011 đến nay, hình ảnh bà Hiền đã gắn với chương trình truyền hình trực tiếp “Đồng hành cùng nỗi đau da cam” vào tháng 6 hằng năm và “Mùa xuân cho em” vào tháng 1 hằng năm. Với 22 tỷ đồng vận động được từ các chương trình này, Hội NNCĐDC đã dùng để hỗ trợ vốn, cho vay vốn, hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ chăn nuôi, khám chữa bệnh, hỗ trợ khó khăn, thăm hỏi, tặng quà, trợ dưỡng thường xuyên… Điện thoại của bà Hiền luôn “nóng” bởi các cuộc gọi khi thì hẹn gặp báo chí, lúc lại đón nhận nguồn tài trợ mới.
Bà Hiền cũng chính là trưởng đoàn trong hành trình vì công lý cho nạn nhân da cam năm 2010. Những chuyến đi đến 7 thành phố lớn của nước Mỹ với các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn nước ngoài, cựu chiến binh Mỹ, sinh viên Việt kiều… dường như quá sức đối với bà nhưng người phụ nữ này vẫn hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Chính bà cũng không hiểu mình lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế để đi và làm việc không mệt mỏi. Có lẽ chính hình ảnh những cô bé, cậu bé bị di chứng da cam với thân hình cong queo mang nỗi đau không thể nói thành lời luôn ám ảnh, thôi thúc bà nỗ lực hơn nữa…
“Phép lạ” với trẻ da cam
Những đứa trẻ da cam tưởng chỉ biết ngồi một chỗ, đi vệ sinh cũng phải nhờ cha mẹ thì nay có thể lên sân khấu múa hát, biết làm ra những chiếc vòng tay bằng cườm khá đẹp mắt. Đến với Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ bất hạnh Đà Nẵng, các em không chỉ được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng.... mà còn được tham gia các hoạt động vui chơi nhằm từng bước phục hồi các chức năng về vận động và trí tuệ. Đối với một số trẻ thiểu năng trí tuệ, Trung tâm cho các em tham gia hoạt động vui chơi, sinh hoạt, giải trí như vẽ tranh, ca hát...
“Đối với một số cháu các chức năng vận động về tay chân đã dần phục hồi, chúng tôi tiếp tục sàng lọc và áp dụng các hình thức đào tạo nghề phù hợp, với một số nghề đơn giản như: làm hoa, đan cườm, làm nhang, học may, học vi tính... Thông qua các hoạt động học nghề, các chức năng về vận động và trí tuệ của các cháu được cải thiện rõ rệt”, bà Hiền cho biết.
Vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hằng năm, 3 trung tâm thuộc Hội NNCĐDC lại rộn ràng hẳn bởi các đoàn đến thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ. Những tấm lòng đã tìm đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ bất hạnh Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn với sự giúp đỡ cụ thể, thiết thực.
Chẳng hạn, UNICEF Việt Nam hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho 3 cơ sở thuộc Trung tâm để nuôi dưỡng, chăm sóc cho các cháu; Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tặng gần 500 triệu đồng cho Dự án hỗ trợ người nghi nhiễm dioxin giai đoạn 2010-2011; và gần 1 tỷ đồng để phục hồi chức năng, đào tạo nghề tại các cơ sở thuộc Trung tâm do tổ chức Chữ Thập Xanh - Thụy sĩ tài trợ…
Hơn 60 em là nạn nhân da cam được tiếp bước trên con đường đến trường đầy gian khó bởi những suất học bổng nghĩa tình của Hội Bảo trợ NNCĐDC nhiễm dioxin tại Pháp với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng… 10 năm và rất nhiều những tấm lòng đã, đang và sẽ đến với nạn nhân da cam nhờ những nhịp cầu…
Bài và ảnh: KIM NGÂN