Chính trị - Xã hội

85 MÙA XUÂN CỦA ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2015)

Ba kỳ đại hội Đảng mang dấu ấn lịch sử

08:00, 26/01/2015 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

3. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ X (1973) - đại hội cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), phong trào cách mạng miền Nam có sự chuyển biến. Trước tình hình đó, Đảng bộ Quảng Nam và Đảng bộ Quảng Đà tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X, đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam họp từ ngày 10 đến ngày 20-3-1973, khẳng định phong trào cả ba vùng chiến lược đều có sự chuyển biến mới, nhưng do chiến tranh tàn phá nặng nề, nên đời sống nhân dân chưa được ổn định, vật chất còn khó khăn, thực lực vũ trang và chính trị còn yếu.

Đại hội đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn tới là: Ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tấn công địch, đánh bại mọi âm mưu mới của địch; đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định, giữ gìn hòa bình; ra sức xây dựng thực lực mọi mặt, đẩy lên một cao trào chính trị mạnh mẽ ở vùng địch, khẩn trương xây dựng căn cứ địa (cả miền núi và đồng bằng) một cách toàn diện thành hậu phương vững chắc. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 20 đồng chí do đồng chí Hoàng Minh Thắng làm Bí thư, đồng chí Đỗ Thế Chấp và đồng chí Võ Quỳnh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà họp từ ngày 4 đến ngày 10-9-1973, đánh giá tình hình địch ta, những khó khăn, thuận lợi và những bước đi của Đảng bộ qua chặng đường máu lửa suốt 19 năm chống Mỹ trên quê hương đất Quảng.

Được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương và trực tiếp là Nghị quyết Khu ủy 5 (tháng 7-1973) soi sáng, đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là: Ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch. Phương châm đấu tranh là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao.

Đại hội đề ra công tác xây dựng Đảng, chú trọng xây dựng các Đảng bộ xã, thôn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ tình hình với những diễn biến khó khăn, phức tạp và bản chất ngoan cố, hiếu chiến của địch nhằm phá hoại hiệp định Paris, kéo dài “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Từ đó, gây cho được chuyển biến nhảy vọt về nhận thức tư tưởng trong cán bộ, đảng viên; quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng, phương hướng, phương châm, tình hình nhiệm vụ mới, đánh giá đúng địch ta, phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, nêu cao lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 29 ủy viên, trong đó có 2 ủy viên dự khuyết do đồng chí Trần Thận làm Bí thư, đồng chí Trần Hiện (Trần Văn Đán) và đồng chí Phạm Đức Nam làm Phó Bí thư.

Đại hội Đảng bộ Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà đã tổng kết một cách toàn diện các mặt hoạt động của hai Đảng bộ suốt trong những năm dài chống Mỹ, đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho giai đoạn có tính chất bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Đại hội đã thổi một luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng trong tỉnh, làm dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công trong cán bộ, đảng viên trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, binh vận.

LÊ NĂNG ĐÔNG

.