Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đạt được những thành tựu to lớn khi kinh tế tiếp tục phát triển, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.
Trong bối cảnh đó, gần 12 năm trước, ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt Nghị quyết 33). Nghị quyết mang ý nghĩa lịch sử để Đà Nẵng xây dựng các chương trình, đề án, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, tạo dấu ấn đột phá để phát triển.
Thành quả rõ nét nhất là kinh tế Đà Nẵng duy trì mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm. Riêng giai đoạn 2011-2013, Đà Nẵng giữ tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”.
Bước đầu định hình một số ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, làm động lực phát triển theo tinh thần Nghị quyết 33, như: du lịch, công nghệ thông tin-truyền thông, tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, y tế… Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng. Hoạt động đối ngoại mở rộng, vị thế thành phố ngày càng nâng cao.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị của Đà Nẵng được tập trung đầu tư, nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, vừa tạo cho Đà Nẵng có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, vừa làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị thành phố theo hướng thành phố biển, xanh, sạch, đẹp, văn minh, an bình, thân thiện.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo cơ sở xây dựng đô thị bền vững. Đến nay, thành phố có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội phát triển khá, phù hợp với phát triển kinh tế và vị thế mới của thành phố. Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm giáo dục, y tế của khu vực. Khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường được đề cao.
Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai có hiệu quả, nhất là các chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có” đạt những kết quả đáng phấn khởi. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội là bước phát triển nổi bật của Đà Nẵng được thực hiện thành công.
Thu nhập người dân Đà Nẵng đến đầu năm 2014 khoảng 60 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,6 lần so với bình quân cả nước. Quốc phòng-an ninh được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính có những phát triển mới.
Sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhất là công tác cán bộ được Đảng bộ thành phố quan tâm. Mối quan hệ cốt lõi giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Đà Nẵng, đó là: “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ” ngày càng được thể hiện rõ nét thông qua các chủ trương, chính sách được các tầng lớp nhân dân thành phố đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nghị quyết 33 xác định: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung-Tây Nguyên và cả nước”. Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và sự chủ động phát huy nội lực địa phương, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, tạo điểm nhấn quan trọng phát triển liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Về giao thông, nhiều công trình, dự án quan trọng, có quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường kết nối, thông thương, phát triển kinh tế của các tỉnh miền Trung như: hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp và mở rộng nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, dự án nút giao thông ngã ba Huế…
Thành phố đã kịp thời định hướng phát triển nhanh và khá toàn diện lĩnh vực thương mại, bước đầu đảm nhận vai trò trung tâm phát luồng bán buôn đối với các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, hạ tầng du lịch đã được tập trung đầu tư, hình thành nhiều khu du lịch, tour, tuyến, sản phẩm, từng bước liên kết và tạo không gian kinh tế du lịch thống nhất toàn vùng. Nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển như: cảng biển, khu công nghiệp dịch vụ chế biến thủy sản, cảng cá, âu thuyền trú bão, các khu du lịch cao cấp và các tuyến đường ven biển.
Thành phố ưu tiên đầu tư, phối hợp, phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, từng bước khẳng định vai trò, vị trí Đà Nẵng là trung tâm giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực lớn của vùng và cả nước. Thành phố dành nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng bệnh viện nhằm phục vụ có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực.
Đạt được những thành tựu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là thành phố đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận toàn xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố.
Bám sát tinh thần và nội dung Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền thành phố vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá trong công tác tổ chức thực hiện. Đây là điều kiện quan trọng để thành phố thực hiện thành công Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 33.
VIỆT DŨNG