Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” và “ngoại giao nhân dân là sự nghiệp của toàn dân”, trong những năm qua, Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga thành phố Đà Nẵng luôn nỗ lực gắn kết các hoạt động hội với các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, lực lượng hội viên… nhằm huy động mọi nguồn lực ngoại sinh của toàn xã hội tham gia vào công tác đối ngoại nhân dân và đối tượng tác động hướng đến là mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố; góp phần làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.
Giao lưu văn hóa hữu nghị Việt - Nga. |
Có thể nói rằng, nhân dân Đà Nẵng nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung luôn dành cho đất nước Nga, con người Nga và văn hóa Nga một tình cảm vô cùng thân quý - rất tự nhiên như máu chảy trong từng mạch huyết quản.
Rất nhiều chương trình, hoạt động giao lưu tìm hiểu được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân thành phố như các cuộc thi “Nước Nga trong trái tim tôi” được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV Đà Nẵng; các cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga - chặng đường 60 năm” và “50 năm chuyến bay vào vũ trụ của Yury Gagarin”; phối hợp thực hiện tuần phim Nga và các phóng sự về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt - Nga; “Đêm thơ Puskin”; “Liên hoan văn hóa ẩm thực quốc tế”; giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ Đoàn Quỹ hòa bình Mátxcơva và Đoàn nghệ sĩ dương cầm Nga; Hội thảo khoa học “Lịch sử và triển vọng” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng phát-xít…
Cùng với chương trình giao lưu gặp mặt những người đã từng học tập và lao động tại Liên bang Nga trở về thường niên luôn gắn với các chủ đề hoài niệm về nước Nga “Ký ức Bạch Dương”, “Nước Nga một thời để nhớ”, “Phòng đọc Thế giới Nga” được trao tặng bởi Quỹ Thế giới Nga đặt tại Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) là một địa chỉ mà các giảng viên và sinh viên khoa Tiếng Nga luôn muốn đắm mình trong đó…
Có thể nói, thông qua cầu nối giao lưu hữu nghị, ngoại giao văn hóa - ngoại giao chính trị đã được chuyển tải một cách linh hoạt, mềm dẻo; góp phần không ngừng củng cố, phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Đà Nẵng là thành phố động lực của miền Trung. Vì vậy, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các địa phương của Liên bang Nga. Với vai trò làm cầu nối, trong những năm qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga thành phố Đà Nẵng đã kết nối được một số tổ chức kinh tế, văn hóa, giáo dục và các địa phương của Nga với các cơ quan, doanh nghiệp Đà Nẵng.
Qua đó, tổ chức ký kết, triển khai thực hiện có hiệu quả hợp tác thương mại giữa Đà Nẵng với các địa phương Nga như Nhizegorod, Briansk, đặc biệt là tỉnh kết nghĩa Yaroslav; Công ty CP Dệt-may 29-3 và Xí nghiệp Túi cặp da đã xuất sang Yaroslav quần áo may sẵn, quần áo jeans, thảm len và các loại túi cặp; Công ty CP Cao su Đà Nẵng hợp tác với Liên doanh Sovietcom sản xuất màng lưu hóa lốp ô-tô, khuôn đúc làm lốp.
Đại học Đà Nẵng ký kết với Trường Đại học Vladivostok, Trường Tổng hợp Astrakhan, Viện Tiếng Nga Puskin và nhiều trường đại học khác trong đào tạo ngôn ngữ. Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, liên minh các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Nga phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Nga và Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố tổ chức kỳ thi Olympic toán học tại Đà Nẵng để tuyển các em giành chiến thắng sang du học tại Liên bang Nga.
Chi nhánh Ngân hàng liên doanh Việt - Nga tại Đà Nẵng hoạt động hiệu quả thông qua nhiều chương trình tư vấn và cung cấp thông tin thị trường Liên bang Nga, thu xếp vốn đầu tư, trực tiếp cho vay hoặc đồng tài trợ các dự án kinh doanh với phương châm “Kết nối thành công, đồng hành phát triển”…
Đặc biệt, gần đây nhất, Hội nghị giao ban Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga toàn quốc được tổ chức tại Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy, kết nối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục… giữa Liên bang Nga và Việt Nam nói chung, giữa các địa phương Nga và Đà Nẵng nói riêng thông qua kênh hữu nghị nhân dân.
Có thể thấy, công tác đối ngoại nhân dân mang nét đặc thù riêng, có thể bắt đầu từ những hành động cụ thể của những con người cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc tăng cường “quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, hoạt động đối ngoại nhân dân cần được xã hội hóa đến mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân và mọi ngành nghề.
Để thực hiện phương châm “ngoại giao nhân dân là sự nghiệp của toàn dân”, Hội Hữu nghị Việt Nam- Liên bang Nga thành phố Đà Nẵng luôn xác định đối tượng hướng đến và đối tác phối hợp đều là nhân dân. Với vai trò nòng cốt, hy vọng thời gian tới, hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga thành phố sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, góp phần sâu sắc hóa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Liên bang Nga.
PHAN THỊ THỦY