.

Cần quan tâm đời sống văn hóa công nhân

.

Thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp (KCN) với hàng ngàn doanh nghiệp, thu hút hàng trăm ngàn công nhân lao động, phần lớn là dân nhập cư. Tuy nhiên, đời sống văn hóa của công nhân lâu nay chưa được chú trọng.

Công nhân rất cần những nơi như thế này để vui chơi sau giờ làm việc.
Công nhân rất cần những nơi như thế này để vui chơi sau giờ làm việc.

Tín hiệu vui từ Trung tâm văn hóa - thể thao công nhân

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Tùng, Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh) cho biết: “Hầu hết công nhân ở KCN này đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị. Đời sống của công nhân khó khăn. Với đồng lương khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, phải chi trả tiền thuê phòng, tiền sinh hoạt… nên họ không dư dả bao nhiêu thì lấy đâu tiền đi xem phim, hay đi chơi. Thậm chí, nhiều công nhân không có phương tiện đi lại thì ngoài giờ làm việc chỉ quanh quẩn ở nhà…”.

Theo anh Trần Văn Tân, Bí thư Đoàn các KCN, hiện thành phố có 6 KCN: Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, An Đồn, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm, Liên Chiểu với khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại mỗi doanh nghiệp, Đoàn các KCN vận động Đoàn Thanh niên phối hợp với Công đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa cho công nhân như: Ngày hội thanh niên công nhân, Hội trại thanh niên công nhân, giao lưu văn nghệ trong các dịp lễ, Tết… Tuy nhiên, những hoạt động đó chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đời sống tinh thần của công nhân.

Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, thừa nhận xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lâu nay chưa được chú trọng và không hiệu quả. Tuy có nhiều sự kiện lớn như: Tháng công nhân với các giải đấu thể thao, văn nghệ; tổ chức các buổi sinh hoạt cho công nhân KCN vào các dịp lễ lớn nhưng tất cả chỉ mang tính phong trào và lâu lâu mới diễn ra. Trong khi đó, Nhà Văn hóa Lao động thành phố ở khá xa khu công nhân sinh sống nên chẳng công nhân nào đến sinh hoạt.

Gần đây, Liên đoàn Lao động được thành phố cấp 4.500m2 trong KCN Hòa Khánh và hỗ trợ 1 tỷ đồng, cộng với nguồn kinh phí của Liên đoàn (3,2 tỷ đồng) để xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao dành cho công nhân. Ngày 30-10 vừa qua, Trung tâm được khánh thành và đưa vào sử dụng, với 2 sân bóng mini, 2 sân bóng chuyền, một hội trường và văn phòng tư vấn pháp luật.

Sự ra đời của Trung tâm là tín hiệu vui về sự quan tâm đầu tư văn hóa cho công nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nơi tổ chức sinh hoạt, văn nghệ, hỗ trợ tư vấn pháp luật cho công nhân. Nếu để thật sự trở thành nơi giải trí cho công nhân thì cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm và đầu tư thêm không gian giải trí như cây xanh, ghế đá, sách, báo…

Đẩy mạnh phong trào văn hóa trong công nhân

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết trong bối cảnh thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp quận, huyện đến phường, xã còn chưa được đầu tư đúng mức thì kế hoạch đầu tư thiết chế cho công nhân KCN gặp khá nhiều khó khăn. Hiện nay, thành phố có Nhà Văn hóa Lao động nhưng hoạt động không hiệu quả nên chủ trương để công nhân sinh hoạt văn hóa theo địa bàn dân cư. Song, ngay cả Trung tâm Văn hóa quận Liên Chiểu (nơi tập trung đông công nhân nhất) được đầu tư từ năm 1997-2014 mà mới hoàn tất phần san lấp mặt bằng vì thiếu kinh phí.

“Trong thời gian tới, Sở chủ động tăng cường phục vụ đời sống văn hóa, giải trí cho công nhân bằng cách tăng tần suất chiếu phim tại các KCN. Sở đã đề xuất thành lập đội chiếu phim HD cho Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng. Khi đó, sẽ có nhiều phim mới và hay để chiếu cho công nhân xem”, ông Chiến nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đề ra những mục tiêu cụ thể. Theo đó, năm 2015, 70% công nhân và người sử dụng lao động ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có KCN) hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; 50% công nhân các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 50% “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định của Bộ VH-TT&DL.

Dựa trên cơ sở này, Liên đoàn sẽ cố gắng triển khai kế hoạch phù hợp, đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa tại các KCN. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề trung tâm văn hóa dành cho công nhân, các phong trào văn hóa có đáp ứng được nhu cầu của công nhân không, có thực sự thu hút công nhân tham gia không; từ đó rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong việc chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân. Bên cạnh đó, chủ trương vận động công nhân và doanh nghiệp cùng làm tốt cả hai nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa và nâng cao năng suất lao động. Có như thế mới thực hiện được mục tiêu mà đề án đưa ra”, ông Linh chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.