Chính trị - Xã hội

Đối thoại đầu tuần

Đâu là gia đình văn hóa đúng nghĩa?

07:27, 05/01/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng hiện có hơn 75% gia đình là “gia đình văn hóa” (GĐVH). Trong khi đó, số người nghiện ma túy, tệ nạn xã hội vẫn tăng lên qua từng năm. Vậy đâu là GĐVH đúng nghĩa? Để làm rõ vấn đề này, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.

Gia đình hòa thuận, hạnh phúc là một trong những tiêu chí của “gia đình văn hóa”. Trong ảnh: Bữa ăn gia đình tại hội thi “Gia đình - Vòng tay yêu thương” do Phòng Văn hóa- Thông tin và Hội LHPN quận Liên Chiểu tổ chức. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Gia đình hòa thuận, hạnh phúc là một trong những tiêu chí của “gia đình văn hóa”. Trong ảnh: Bữa ăn gia đình tại hội thi “Gia đình - Vòng tay yêu thương” do Phòng Văn hóa- Thông tin và Hội LHPN quận Liên Chiểu tổ chức. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

* Nhiều năm theo dõi việc phát động và bình chọn GĐVH của thành phố, thành công lớn nhất của phong trào này là gì, thưa ông?

- Năm 2015 đánh dấu 20 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, Mặt trận các cấp chủ trì và phối hợp thực hiện. Cũng đã 20 năm các danh hiệu văn hóa như “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố, thôn văn hóa”... xuất hiện thông qua bình chọn từ cơ sở.

Cuộc vận động nói chung, việc bình chọn các danh hiệu văn hóa nói riêng đã góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu dân sinh, dân trí và dân chủ ở từng cộng đồng dân cư và trên phạm vi toàn thành phố. Cuộc vận động đã giúp văn hóa lan tỏa trong các hoạt động xã hội, từng gia đình và từng cá nhân, là nền tảng để nâng cao đời sống tinh thần, trình độ dân trí, hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc… Có thể khẳng định, thành công của phong trào nằm ở sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và của toàn dân.

* Như ông vừa nói, cuộc vận động đạt được thành công, nhưng vì sao trong những năm gần đây đời sống văn hóa của thành phố nói chung và nhất là đời sống văn hóa của mỗi gia đình, mỗi con người vẫn chưa có chuyển biến căn bản?

- Đời sống văn hóa của mỗi cá nhân, gia đình, chiều sâu văn hóa của thành phố trong những năm qua chưa có bước chuyển biến căn bản bởi các cấp, các ngành và toàn dân chỉ mới chú ý đến bề rộng chứ chưa quan tâm đến chiều sâu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng của phong trào, của các danh hiệu. Thậm chí, có nơi còn chạy theo thành tích, lạm dụng danh hiệu.

Thực tế đó làm người dân không thấy được giá trị, ý nghĩa thực sự và sự tự hào khi được nhận danh hiệu GĐVH, tờ giấy công nhận GĐVH trở thành tờ giấy vô giá trị, cuộc vận động toàn dân xây dựng GĐVH ở khu dân cư vì thế không mang ý nghĩa đúng đắn như ban đầu. Hằng năm, các cấp, các ngành có liên quan đều nghiêm túc “rút kinh nghiệm” về vấn đề GĐVH “tràn lan” tại khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sự thay đổi rõ nét.

* Nguyên nhân chính của tình trạng này là gì, thưa ông?

- Có lẽ là do cơ chế. Tỷ lệ của danh hiệu này ảnh hưởng đến các danh hiệu khác nên phải có “sự đồng bộ” theo tỷ lệ thuận. Không ít trường hợp tỷ lệ danh hiệu GĐVH được đưa vào nghị quyết để phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu chứ chưa thực sự trở thành phong trào có tính tự nguyện, tự giác cao, chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự có chất lượng đủ để lôi cuốn nhiều gia đình phấn đấu cho niềm tự hào GĐVH.

* Hiện nay mỗi năm thành phố có hơn 75% “gia đình văn hóa”, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ trên là quá cao và rất hình thức. Ông có bình luận gì về nhận định trên?

- Câu bình luận chí lý nhất, theo tôi là ý kiến của đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố. Theo quy luật thì tỷ lệ văn hóa phải tỷ lệ nghịch với phi văn hóa. Trong khi đó, thực tế của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung lại cho thấy tỷ lệ các danh hiệu văn hóa tăng nhưng đồng thời tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình... cũng tăng! Một “tỷ lệ thuận” không thể chấp nhận được.

* Theo ông, một “gia đình văn hóa” thật sự của Đà Nẵng cần có những yêu cầu gì? Tiêu chí quan trọng nhất của một gia đình có văn hóa? Có sự khác nhau giữa một gia đình cán bộ có văn hóa với gia đình lao động bình thường không thưa ông?

- Điều 4 Thông tư 12/2011 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể tiêu chuẩn một GĐVH gồm 3 tiêu chí: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Gia đình biết tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

GĐVH thực sự của Đà Nẵng không thoát ly các tiêu chí chung của cả nước, đồng thời phải mang đầy đủ các đặc trưng của một gia đình xứ Quảng: có lòng nhân ái, không thờ ơ, vô cảm với nỗi bất hạnh của người khác, trên thuận dưới hòa, yêu thương đùm bọc nhau giữa mọi thành viên trong gia đình, cần cù và quý trọng giá trị lao động, sống có hoài bão, nghèo khó vẫn phấn đấu vì giấc mơ đèn sách của con trẻ, có lòng hiếu khách, sẵn sàng vì nghĩa lớn, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ làng xóm, cộng đồng cùng hướng đến hạnh phúc, yên bình thật sự.

Các thành viên trong một GĐVH không chỉ mải mê làm giàu, chạy theo giá trị kinh tế mà còn biết nuôi dưỡng tâm hồn, không ngừng bồi đắp nếp sống văn minh, lối sống văn hóa. Văn hóa của một gia đình không nằm trong tờ giấy công nhận đơn thuần mà được thể hiện thông qua những việc nhỏ hằng ngày như không phơi quần áo tùy tiện, gây mất mỹ quan cho khu phố; không vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng môi trường; không đổ nước thải ra đường đi…

“Đẳng cấp” của mỗi gia đình - gia đình công chức hay lao động bình thường, gia đình có học vấn cao hay học vấn thấp - không có ý nghĩa trong việc đánh giá trình độ văn hóa.

* Trong mối quan hệ giữa GĐVH và con người có văn hóa, theo ông, “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” Đà Nẵng nên ưu tiên vào việc đầu tư thiết chế hay xây dựng con người văn hóa?

- Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như con cháu hiếu thảo, vợ chồng chung thủy, anh em thuận hòa… đều kết tinh tại gia đình. Xây dựng GĐVH sẽ góp phần phát huy được truyền thống nhân ái, cách ứng xử hòa nhã, văn minh của mỗi cá nhân trong xã hội. Điều này giúp giải quyết khâu khó nhất trong tiến trình xây dựng văn hóa, văn minh đô thị: xây dựng con người có văn hóa. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể của con người Đà Nẵng có văn hóa để làm chuẩn mực phát động toàn dân phấn đấu thực hiện.

Cần quan tâm và đầu tư xứng đáng cho công cuộc xây dựng thiết chế văn hóa lẫn con người văn hóa bởi thiết chế và nhân lực có mối quan hệ biện chứng, đóng vai trò thúc đẩy hoặc kìm hãm nhau. Trong đó, yếu tố con người vẫn có vai trò quan trọng nhất.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

MAI TRANG thực hiện

.