Chính trị - Xã hội

Đứng dậy để truyền cảm hứng cho người khác

08:20, 14/01/2015 (GMT+7)

Liệt đôi chân từ thuở lên ba, không chịu đầu hàng số phận, Nguyễn Bá An (SN 1970, quận Thanh Khê) không chỉ vẽ nên bức tranh cuộc đời mình với các gam màu tươi sáng mà còn vực dậy bao mảnh đời đồng cảnh ngộ.

Nguyễn Bá An trình bày ca khúc Vững bước do anh sáng tác tại một cuộc thi tiếng hát dành cho người khuyết tật.
Nguyễn Bá An trình bày ca khúc Vững bước do anh sáng tác tại một cuộc thi tiếng hát dành cho người khuyết tật.

Cuộc đời “3 tự”

Sáng, sau khi cà-phê với mấy người bạn cùng xóm, anh lăn xe qua đường ray xe lửa trước nhà “gọn tưng”; rồi mở cổng, lại lăn lên cái dốc cao hơn so với mặt đường và thẳng tiến vào nhà, thay bằng một chiếc xe lăn khác để sẵn ở lối đi. Thao tác nhanh gọn, hoạt bát, đúng chất vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp.

Tôi gọi cuộc đời của người đàn ông Nguyễn Bá An là cuộc đời “3 tự”: tự sinh hoạt, tự học, tự vươn lên.
Đôi chân bị liệt từ di chứng của cơn sốt cao lúc 3 tuổi nhưng An đã đứng dậy. Tường nhà, nền nhà, bàn, ghế, thanh giường… là “tập vở” và An tự học bằng sự kiên trì. Đọc thông hiểu thạo con chữ, An lại tìm đến hội họa với sở trường là vẽ chân dung bằng chì.

Song song với hội họa, An còn mày mò học, đọc từng nốt nhạc rồi sử dụng thành thạo đàn guitar, đàn organ. Nét vẽ có hồn, ngón đàn thuần thục, sâu lắng nên đã có không biết bao nhiêu lứa học trò được thầy giáo An truyền dạy và trở thành những người có ích cho xã hội.

Năm 1999, giải thể thao toàn quốc người khuyết tật được tổ chức ở Đà Nẵng, An được tuyển chọn vào đội hình thi đấu chính thức. Năm ấy, anh tham dự 3 môn bóng bàn, bắn súng, đua xe lăn và đã giành được 2 HCV ở bộ môn bắn súng. “Đến với thể thao, mình cảm thấy thế giới như mở rộng ra với mình”, An tâm sự.

Thấy anh hằng ngày di chuyển trên chiếc xe lăn, bị ngã thâm tím cả người, ai cũng xót, khuyên anh từ bỏ thể thao. Nhưng rồi hết bóng bàn, cầu lông, bắn súng, tennis, đến đẩy tạ, ném lao, đua xe lăn, lĩnh vực nào anh cũng khẳng định mình là một VĐV có tố chất. Đến bây giờ, với việc sở hữu hơn 30 HCV quốc gia và khu vực Đông Nam Á, anh đã làm nên “mảnh cầu vồng khuyết” tuyệt đẹp cho cuộc đời mình.

Không những vậy, anh còn đứng ra thành lập nhóm Đồng cảm quy tụ hơn 10 thành viên. Nhờ có nhóm mà anh em từ những ngày đầu chẳng biết đến bóng bàn là gì, dần dần “lên tay” rồi tiến tới tham dự các giải thể thao quốc gia, khu vực và giành được nhiều thứ hạng cao.

Càng sóng gió, càng vững tay chèo

“Rồi cái tuổi đẹp nhất của mỗi con người cũng đến với tôi. Năm tôi mới 18 tuổi, cái tuổi được yêu, được thương, được mơ, được mộng như bao người khác nhưng riêng bản thân tôi lại không cho phép mình nghĩ về điều đó”… Đó là những dòng tự truyện khắc khoải yêu thương và thấm đượm nỗi buồn của Nguyễn Bá An. Anh bảo, đó là giai đoạn anh tự ti nhất và cứ ngỡ sẽ mãi mãi sống cuộc đời cô độc. Nhưng cô hàng xóm Ngô Thị Bích Hằng mà anh ngày đêm thầm yêu trộm nhớ đã “bắn tín hiệu”, tạo động lực để anh tiến tới.

Ngày ấy, gia đình chị Hằng phản đối quyết liệt, anh lái chiếc xe máy tự chế đưa chị đến nhà bố mẹ vợ tương lai để chứng minh anh không cưới chị về để chăm sóc, lo cơm nước cho một người khuyết tật.

Ngày cưới của anh chị, nước mắt hòa lẫn tiếng cười khi cô dâu đẩy xe lăn đưa chú rể lên bục làm lễ. Chú rể nắm tay cô dâu tình tứ hát liền tù tì hai ca khúc là “Lối nhỏ vào đời” (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn) và “Vững bước” do anh tự sáng tác. Và rồi hai thiên thần nhỏ chào đời, bé Nguyễn Bá Khoa (9 tuổi) và bé Nguyễn Bá Linh Sam (4 tuổi) là “quả ngọt” đầu tiên mà cuộc đời mang đến cho anh.

Ngoài giờ luyện tập, thi đấu, anh An còn là người “sành” chơi bonsai với thâm niên hơn 30 năm. Trong khuôn viên nhà, hơn trăm cây cảnh do chính tay anh chăm sóc đáng giá đến hàng trăm triệu đồng.

Anh nói mình không có tài cán gì, chỉ dám tự nhận mình giàu nghị lực, ý chí vươn lên. “Nếu có kiếp sau, cho tôi làm người khuyết tật cũng được, chỉ mong là tuổi thanh xuân mình kéo dài hơn nữa để thực hiện hết những hoài bão mà mình khao khát”, anh nói.

Bài và ảnh: BÌNH AN

.