Chính trị - Xã hội

Hướng đến mùa lễ hội "sạch"

08:08, 16/01/2015 (GMT+7)

Chiều 15-1, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, tìm giải pháp tăng cường công tác quản lý và tổ chức, đảm bảo hạn chế tối đa những tiêu cực khi mùa lễ hội 2015 đang đến gần.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh. Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì đầu cầu Đà Nẵng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian. Nhìn chung việc tổ chức lễ hội ở các địa phương trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong công tác tổ chức, hoạt động và kinh doanh dịch vụ văn hóa, hạn chế những tiêu cực trong lễ hội như: cờ bạc, đốt vàng mã, thắp hương gài dắt tiền, đổi tiền mệnh giá thấp, chèo kéo, ăn xin biến tướng…

Vấn đề an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, giá cả hàng quán dịch vụ được đảm bảo. Các hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm nhập lậu về cơ bản được kiểm soát…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ở nhiều lễ hội vẫn tái diễn hoạt động cờ bạc, xem bói, xóc thẻ, ăn xin, đốt vàng mã, dịch vụ đổi tiền lẻ, gài dắt tiền…, đặc biệt là tại những lễ hội lớn, kéo dài ngày; quy hoạch hàng quán, dịch vụ dịp lễ hội chưa chặt chẽ, khoa học; vẫn tồn tại tình trạng chen lấn, xô đẩy, tắc nghẽn giao thông cục bộ…

Tại hội nghị, bên cạnh mục tiêu đảm bảo văn minh, an ninh, an toàn lễ hội, vấn đề phát huy giá trị di tích, gắn với truyền thống dân tộc được quan tâm, đặc biệt là việc không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh. Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa, có 22/35 di tích được kiểm tra sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Riêng thành phố Đà Nẵng đã thực hiện việc thống kê số liệu về sử dụng biểu tượng, vật phẩm, hiện vật lạ (sư tử đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; thực trạng tồn đọng sản phẩm là tượng và hiện vật do làng nghề chế tác, nghệ nhân thất nghiệp, làng nghề gặp khó khăn…

Sở VH-TT&DL Đà Nẵng kiến nghị Bộ VH-TT&DL cần hướng dẫn cụ thể hơn về cách xác định biểu tượng, hiện vật như thế nào là vi phạm; đưa mẫu hiện vật để so sánh, nhận biết, tuyên truyền và định hướng các hộ kinh doanh; cần những diễn đàn, trao đổi về ý nghĩa của chủ trương để bà con yên tâm sản xuất…

THANH TÂN

.