Thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhiều năm qua, Công an xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đã triển khai thành công mô hình “Ánh sáng ngoài ngõ, tiếng mõ trong nhà” để đấu tranh, trấn áp tội phạm, đem lại sự bình yên vốn có cho những làng quê đang chuyển mình trong bức tranh đô thị hóa.
Lực lượng Công an, dân phòng xã Hòa Liên tổ chức tuần tra đêm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. |
Diện mạo xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang trong những năm gần đây có nhiều sự thay đổi. Bức tranh đô thị hóa kết hợp với việc xây dựng nông thôn mới đang triển khai giúp đời sống người dân ngày càng phát triển hơn. Hệ thống giao thông hoàn chỉnh, các quán hàng cũng liên tục mọc lên để đáp ứng nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tích cực, sự thay đổi này cũng làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn càng trở nên phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân. Những vụ trộm cắp tài sản, đòi nợ thuê, bắt trộm chó… thường xuyên xảy ra khiến lực lượng an ninh phải hết sức vất vả để ổn định tình hình.
Với đặc điểm chung quanh đang hình thành các khu tái định cư, tiếp giáp khu công nghiệp, đường tránh Nam Hải Vân khiến việc chốt chặn, vây bắt tội phạm gặp nhiều khó khăn, các đối tượng dễ dàng tẩu thoát. Được sự chỉ đạo từ Đảng ủy, UBND xã, từ tháng 7-2013, lực lượng Công an xã Hòa Liên bắt đầu triển khai mô hình an ninh “Ánh sáng ngoài ngõ, tiếng mõ trong nhà” thí điểm tại thôn Tân Ninh.
Theo ông Trần Đải, Trưởng Công an xã Hòa Liên, để triển khai mô hình này, trước ngõ mỗi hộ gia đình sẽ lắp một bóng đèn điện để thắp sáng, trong nhà được trang bị một cái mõ làm bằng tre, một cây gậy dài từ 1,2-1,6m và một dây thừng để sẵn.
Mỗi khi trong thôn xảy ra trộm cắp, đánh nhau gây nguy hiểm cho bà con, người dân chứng kiến sự việc sẽ lập tức la lên để hàng xóm biết, sau đó hàng loạt tiếng mõ sẽ vang lên, bóng đèn ngoài ngõ cũng được bật sáng để tạo hiệu ứng dây chuyền.
Mỗi tổ đoàn kết trong thôn sẽ có 10 người lập tức chốt chặn tại các ngã đường ra vào thôn để đón bắt đối tượng có ý định đào tẩu, đồng thời báo tin gấp cho lực lượng Công an, dân phòng của xã đến hỗ trợ. “Trước đây, tình hình trật tự trên địa bàn thôn hết sức phức tạp. Việc triển khai mô hình này đã huy động được sức mạnh của nhân dân, phù hợp với điều kiện của thôn, đó là địa hình rộng, dân số đông”, ông Dương Xí, Trưởng thôn Tân Ninh, nói.
Người dân từ chỗ e dè, thậm chí từ chối tham gia mô hình thì nay đã nhiệt tình hưởng ứng. “Mình tham gia có nghĩa là mình tự bảo vệ cho chính gia đình, quê hương mình và điều quan trọng hơn đó là bà con trong thôn đoàn kết gắn bó mật thiết với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh đuổi cái xấu, cái ác”, ông Trần Việt, trú tổ 2, thôn Tân Ninh cho biết.
Hiện mô hình này đang được triển khai thành công tại thôn Tân Ninh, Vân Dương 1 và Quan Nam 1. “Vào dịp lễ hội hay trong thôn có tổ chức đám cưới, ma chay, người dân ở các thôn sẽ thống nhất bật đèn sáng suốt đêm để hạn chế điều kiện cho kẻ gian hoạt động. Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí để kéo dây điện, lắp bóng đèn và hằng tháng sẽ được hỗ trợ một ít kinh phí để trả tiền điện”, ông Trần Đải cho biết.
Được biết, đây là một trong những mô hình tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị tổng kết phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2014 của huyện Hòa Vang.
“Mô hình này đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong công tác phòng, chống tội phạm, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác của mọi tầng lớp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng, triển khai mô hình này trên toàn 13 thôn của xã”, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết thêm.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG