Chính trị - Xã hội
Người lao động chuyển nghề
Khác với những năm trước, số lao động sau khi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp học nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì năm nay, số lao động học nghề tại Đà Nẵng lên đến hơn 300.
Chủ động lựa chọn công việc hoàn toàn khác với lĩnh vực từng làm đang là xu hướng mới hiện nay.
Nấu ăn là nghề đang được nhiều người lựa chọn. (Ảnh mang tính minh họa) |
Học nghề mới để dễ tìm việc
Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu có nguyện vọng học nghề, những đối tượng này sẽ được các trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ đào tạo nghề. Thế nhưng, thực tế lâu nay, đa số người lao động chỉ quan tâm đến khoản trợ cấp thất nghiệp mà không mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề. Bởi trong những năm qua, con số đăng ký học nghề sau khi hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) khá ít. Thế nhưng năm nay, nhiều lao động đã lựa chọn học nghề mới theo nguyện vọng của bản thân.
Đăng ký học nghề nấu ăn tại Trung tâm, chị Lê Như Mai (30 tuổi, ở quận Thanh Khê) bộc bạch: “Mình làm công nhân được một thời gian rồi, lương không cao. Đặc biệt, những lúc làm tăng ca rất vất vả. Mình đang nuôi con nhỏ nên học nghề mới để tìm việc khác phù hợp hơn”.
Chị Mai cho rằng, nghề nấu ăn cũng dễ tìm việc. Thậm chí, nếu chưa tìm được việc khác thì cũng có thể mở một hàng quán nho nhỏ kiếm sống và có thời gian chăm sóc gia đình. Còn anh Lê Trung Kiên (35 tuổi, ở quận Liên Chiểu) chọn nghề lái xe bởi: “Mình học thêm nghề mới để tìm việc dễ hơn. Hơn nữa, vừa được học nghề miễn phí, vừa có thêm tiền hỗ trợ thì quá tốt. Mình nghĩ nhiều đơn vị, nhiều ngành cần người lái xe…”.
Trung tâm cho biết, năm nay có hơn 300 lao động học nghề để tìm việc mới. Những nghề như: chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, lái xe… là những nghề thiết thực, gần với cuộc sống và đang được nhiều lao động lựa chọn hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Diệp, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo thuộc Trung tâm cho biết, năm qua, đơn vị đã có nhiều hình thức và phương pháp tuyên truyền chính sách này đến người lao động. Ông Diệp cũng cho rằng, được hỗ trợ đào tạo một công việc mới phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội là mong muốn của không ít người lao động hiện nay.
Thay đổi mức hỗ trợ
Quyết định mới hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho tất cả các khóa học nghề của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 lại càng khuyến khích người thất nghiệp học nghề. Nếu trước đây, với người học nghề sau khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học cho khóa học nghề dưới 3 tháng và 600.000 đồng/người/tháng đối với các khóa học trên 3 tháng thì nay là 1 triệu đồng/người/tháng.
Mức hỗ trợ mới này được tính theo tháng, tùy từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Như vậy, với quy định mới này, người học nghề sẽ thuận tiện hơn trong việc chọn nghề. Ngoài ra, tham gia học nghề, người lao động còn được trang bị các kiến thức về nghề nghiệp, hỗ trợ nâng cao tay nghề, qua đó giúp người lao động sớm tái hòa nhập thị trường lao động.
“Số tiền hỗ trợ dù không lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với người thất nghiệp như chúng tôi và khuyến khích chúng tôi chuyển đổi ngành nghề phù hợp hơn với bản thân để dễ xin việc”, anh Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi, ở quận Hải Châu), đang làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN