.

Những người Nhật yêu Việt Nam

.

Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thành phố Đà Nẵng có những người bạn Nhật Bản rất đặc biệt. Họ cũng mang nỗi đau như các nạn nhân da cam khi từng hứng chịu hậu quả chiến tranh nguyên tử hay thảm họa sóng thần. Họ có khi chỉ là một ông, bà lão về hưu tình cờ ghé thăm trẻ em da cam. Tuy vậy, ở hoàn cảnh nào, tất cả cũng đầy yêu thương, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hiền (thứ 5, từ phải sang) tham gia tàu Hòa Bình.
Bà Nguyễn Thị Hiền (thứ 5, từ phải sang) tham gia tàu Hòa Bình.

Từ những người bạn...

Bà Watagabe năm nay trên dưới 70 tuổi. Là giáo viên nghỉ hưu, cách đây 3 năm, bà đến thăm Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng để rồi trở thành hội viên danh dự của Hội. Không chỉ thăm hỏi, tìm hiểu về cuộc sống của trẻ em da cam, bà Watagabe còn tặng Hội một số máy may, máy vi tính và vài chục triệu đồng nhằm hỗ trợ những đứa trẻ không may mắn học nghề.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng, cho biết sau lần đầu tiên đến thăm trẻ em da cam, giờ đây bà Watagabe còn là “cầu nối” đưa rất nhiều đoàn khách Nhật Bản đến với Hội để giao lưu, chia sẻ. Người phụ nữ Nhật Bản này còn ấp ủ dự định tự tay thực hiện một dự án nhỏ, qua đó mở rộng cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm cho trẻ em da cam Đà Nẵng.

Watagabe là một trong rất nhiều người Nhật đã đến với Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng để rồi gắn bó với những mảnh đời ở đây. Hiện nay, hội viên danh dự là người Nhật Bản của Hội NNCĐDC có 6 người. Tuy vậy, thực tế, số khách Nhật đến với Hội rất đông và đa dạng. Những người bạn quý này còn lập hẳn một tổ chức có tên: Hội những người Nhật Bản yêu Việt Nam.

Từ 5 năm nay, Hội những người Nhật Bản yêu Việt Nam là một trong những tổ chức hỗ trợ đắc lực cho trẻ em da cam đến trường. Mỗi năm, Hội tài trợ khoảng 6 em với số tiền gần 3 triệu đồng/học sinh, cùng 40kg gạo/em. Nhờ những món quà này, nhiều em có thể vững bước đến lớp trước bao nhọc nhằn gian nan.

... đến những chuyến tàu

“Nói đến các hoạt động của bạn bè Nhật Bản đối với Hội NNCĐDC, không thể không nhắc tới các chuyến tàu Hòa Bình khi đã cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ, giao lưu với bao câu chuyện đong đầy cảm xúc”, bà Nguyễn Thị Hiền tâm sự.

Từ khi bắt đầu ghé Đà Nẵng vào năm 1995, đến nay, tàu Hòa Bình (Peace Boat) đã “cập” vào Hội NNCĐDC khoảng 10 lần. Mỗi lần như thế, con tàu biểu tượng của tình hữu nghị, thân ái này lại mang đến cho trẻ em da cam nhiều bất ngờ thú vị.

Có lần, theo tàu về Đà Nẵng là 30 Hibakusha - tên gọi trang trọng của người Nhật đối với những nạn nhân còn sống sót sau thảm họa bom nguyên tử xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki. Những nạn nhân ngày ấy giờ đã là các bậc cao tuổi. Họ lặng người khi tận mắt chứng kiến nạn nhân chất độc da cam còn chịu đau khổ hơn những gì họ đã trải qua. “Chúng ta phải sát cánh bên nhau đấu tranh cho một thế giới không có chiến tranh, không có vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học”, các Hibakusha nói.

Lần khác, tàu chở 60 bạn nhỏ là nạn nhân của trận động đất, sóng thần kinh hoàng tại Fukushima (Nhật Bản) đến Đà Nẵng. Hai thế hệ, hai nỗi đau và ở hai đất nước, nhưng thật nhanh chóng, các bạn nhỏ đã tìm đến nhau trong sự đồng cảm, ấm áp tình bạn bè.

Không chỉ kết nối giao lưu, các lần đến với NNCĐDC thành phố Đà Nẵng, tàu Hòa Bình đã tặng tổng cộng trên 11.000 USD để đóng góp xây dựng các cơ sở nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, tàu Hòa Bình cũng 3 lần mời đoàn NNCĐDC Đà Nẵng đi chia sẻ nỗi đau của mình đến nhiều nơi trên thế giới.

Bài và ảnh: HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.