Thời gian gần đây, Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) đã cho ra mắt mô hình liên kết “Nấm và hoa” tại Chi hội phụ nữ số 9B.
Vườn hoa cúc của chị Đoàn Thị Gái đã giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương. |
Mô hình này vừa liên kết hội viên, vừa giải quyết việc làm cho những hội viên lớn tuổi, không còn khả năng làm việc nặng, giúp chị em thoát nghèo bền vững.
Nỗ lực vươn lên
Đưa chúng tôi đi thăm vườn hoa cúc, chị Đoàn Thị Gái cho biết, có khoảng 3.000 chậu cúc đang được chăm sóc cẩn thận để cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để có được ngày hôm nay, chị đã nỗ lực thoát nghèo. Sống bằng nghề thuần nông, nuôi 5 người con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị làm quần quật suốt ngày vẫn không đủ ăn.
“Thấy người ta ổn định cuộc sống nhờ trồng hoa, tôi suy nghĩ nhiều lắm, rồi đánh liều đề xuất Hội LHPN phường hỗ trợ cho vay vốn. Tôi tự mày mò tìm hiểu cách trồng hoa và “học lóm” từ những hộ lâu năm trong nghề. Nhờ mạnh dạn, chịu khó, sau 5 năm, tôi đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống”, chị Gái tâm sự.
Ngoài trồng hoa, nhiều phụ nữ phường Hòa Thọ Tây thoát nghèo nhờ trồng nấm. Điển hình là hộ chị Trần Thị Liễu. Vốn bị bệnh tim, không làm được việc nặng, chị Liễu chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ, kinh tế phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng.
Được sự động viên của cán bộ Hội phụ nữ phường, chị tham gia lớp tập huấn trồng nấm do Hội LHPN quận phối hợp với Hội Nông dân quận tổ chức. Sau gần 1 năm, tận dụng thửa đất trống cạnh nhà, chị Liễu dựng trại và bắt đầu trồng nấm với thu nhập ban đầu khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đến nay, quy mô trồng nấm của chị mở rộng hơn, cách chăm sóc cũng chuyên nghiệp hơn nên tạo hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hội viên khác của Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây cũng bắt đầu chuyển biến trong nhận thức, nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế thay vì cứ chờ trợ cấp như trước đây.
Hỗ trợ nhau cùng thoát nghèo
Điều đáng ghi nhận của những hội viên Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây là không chỉ thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn giúp nhiều chị em lớn tuổi, mất sức lao động tại địa phương có việc làm. “Thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán, chúng tôi thuê gần 15 nhân công để lặt nụ, tỉa lá... Công việc nhẹ nhưng thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Những tháng còn lại trong năm cũng bố trí việc làm cho khoảng 6-8 nhân công”, chị Đoàn Thị Gái cho biết.
Từ thành công bước đầu trong sản xuất của hội viên, Hội LHPN phường tiến đến thành lập mô hình Nấm và hoa để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Mô hình hiện có 19 hộ tham gia (gồm 17 hộ trồng hoa, 2 hộ trồng nấm), tạo việc làm cho khoảng 20 chị em hội viên nhàn rỗi, chưa có việc làm ổn định hoặc đau yếu, bệnh tật.
Chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, mô hình tập hợp tất cả các hộ trồng hoa và làm nấm nhỏ lẻ trên địa bàn phường thành một mô hình tập thể, qua đó các sản phẩm đầu ra sẽ bảo đảm về chất lượng, năng suất. Ngoài ra, tham gia nhóm Liên kết, các thành viên được cung cấp các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm và hoa, đóng gói thành phẩm, ngăn ngừa sâu bệnh...
“Điều mà chúng tôi băn khoăn nhất là làm sao tạo đầu ra cho sản phẩm của các hội viên tham gia mô hình, khuyến khích họ mạnh dạn làm giàu chính đáng. Trước mắt, chúng tôi mong muốn chính quyền tạo điều kiện bố trí địa điểm bán hoa cho các hộ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Về lâu dài, xúc tiến việc thành lập và đăng ký thương hiệu cho nấm và hoa, nâng cao chất lượng cũng như uy tín sản phẩm do chính hội viên sản xuất”, chị Liên nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ