Chính trị - Xã hội

Rối rắm bảo hiểm y tế bắt buộc hộ gia đình

07:41, 28/01/2015 (GMT+7)

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc hộ gia đình có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, nhưng đến ngày 23-1 (tức hơn 20 ngày sau), cán bộ xã, phường - những người trực tiếp thực hiện luật này với dân - mới được hướng dẫn cách triển khai nên mọi thứ trở nên lúng túng.

Cán bộ phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê hướng dẫn người dân đăng ký BHYT hộ gia đình.
Cán bộ phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê hướng dẫn người dân đăng ký BHYT hộ gia đình.

Cán bộ xã, phường được hướng dẫn triển khai Luật BHYT bắt buộc hộ gia đình… sau khi luật có hiệu lực thi hành. Sự tréo ngoe về quy trình khiến họ bị động trong xử lý công việc và bị phản ứng từ người tham gia BHYT.

Lúng túng

Sáng 26-1, chị Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) mới cầm trên tay tập tài liệu về triển khai Luật BHYT, do cán bộ phường đi tập huấn từ cuối tuần trước chuyển sang.

Không riêng phường Thuận Phước mà còn ở các phường khác, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, cụ thể là BHYT bắt buộc hộ gia đình, có thể nói là chỉ vừa “đáp” xuống các địa phương cách đây vài ngày, trong khi luật thì đã có hiệu lực thi hành từ trước đó gần cả tháng.

Cũng chính sự bị động, chậm trễ này mà hầu hết các phường đều xảy ra nhiều chuyện gây khó cho cả cán bộ lẫn người dân tham gia BHYT.

Trước đây, ai muốn có BHYT thì chỉ cần mang chứng minh nhân dân đến phường mua là xong. Theo luật mới, người dân không được mua lẻ mà phải mua theo hộ gia đình. Nghĩa là tất cả thành viên có tên trong một sổ hộ khẩu đều phải mua và mua cùng lúc, bất kể họ có sống chung dưới một mái nhà hay không.

Vì không được chỉ đạo triển khai BHYT bắt buộc hộ gia đình trước khi luật có hiệu lực, nên cán bộ các phường vẫn… “hồn nhiên” nhận tiền đăng ký mua BHYT của người dân theo phương thức cũ. Kết quả, từ đầu năm đến sáng 23-1 (thời điểm trước khi được tập huấn về BHYT mới), đại lý của phường Thuận Phước đã bán ra 417 thẻ BHYT gồm gia hạn và thẻ mới.

Chị Lê Thị Thuận nói: “Nhận tiền của dân rồi, nhận đăng ký mua BHYT của người ta rồi, giờ nói rằng cách cũ không đúng, phải mua lại theo cách mới. Như vậy, dân không bức xúc mới lạ! Hơn nữa, giờ chúng tôi biết xử lý sao với hàng trăm thẻ “không hợp lệ” này đây?”.

Éo le không kém, đại lý thu của UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng “lỡ” bán ra hơn 200 thẻ BHYT theo cách cũ. Chị Nguyễn Thị Diễm Đông, cán bộ phụ trách đăng ký BHYT tại phường Thọ Quang cho biết: “Chiều 16-1 (tức nửa tháng sau khi luật có hiệu lực - PV), tôi mới nhận cuộc điện thoại của BHXH quận Sơn Trà thông báo dừng tiếp nhận đăng ký theo cách cũ và được giới thiệu sơ qua về cách đăng ký mới. Khổ là lúc đó, phường đã nhận tiền của hơn 200 người tham gia mua BHYT và các thủ tục được thực hiện theo phương thức cũ”.

Để “chữa cháy”, chị Diễm Đông phải liên hệ từng chủ thẻ để thông báo, giải thích lại. Ai đồng ý mua theo hộ gia đình thì làm lại thủ tục. Ai không đồng ý thì chỉ còn cách trả lại tiền cho họ. Đến sáng 26-1, chị Đông đã liên hệ được 100 chủ thẻ và tiếp tục “khắc phục hậu quả” với số thẻ còn lại.

Người tham gia BHYT phản ứng

Điều đáng nói, không chỉ bị đặt vào tình thế xử lý công việc “lạc hậu” hơn luật, cán bộ phường còn bị người tham gia BHYT phản ứng.

Cách thức mua BHYT bắt buộc hộ gia đình theo luật mới hoàn toàn khác so với mua BHYT tự nguyện trước đây. Theo đó, thủ tục rất khác bao gồm ngoài chứng minh nhân dân của chủ thẻ BHYT, người mua giờ đây phải mua cùng lúc cho cả nhà với đầy đủ các giấy tờ photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân của tất cả thành viên, giấy đăng ký kết hôn (trong một số trường hợp), thẻ BHYT (nếu có) của các thành viên còn lại, v.v…

Lẽ ra với cách mua khác, thủ tục khác, quy định khác, số tiền bỏ ra cho một lần mua cũng khác, việc triển khai, phổ biến sự thay đổi này phải đến sớm với địa phương và nhân dân để mọi người kịp chuẩn bị và đón nhận. Đằng này, đùng một cái, luật bắt buộc mọi người phải theo.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, đại lý thu UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) chia sẻ: “Người dân không tiếc lời xúc phạm và tự nhiên đổ cho chúng tôi. Đại thể họ phàn nàn rằng, ra luật chi mà không nói trước, thủ tục rườm rà, quy định cứng nhắc.

Đặc biệt, nhiều người rất khó khăn, mua được cho họ cái thẻ BHYT cũng từ tiền vay mượn, giờ bỗng dưng bắt họ phải mua cho cả gia đình hoặc đại gia đình, nếu không thì chẳng ai trong nhà có BHYT mà không một lời giải thích trước để họ chuẩn bị tiền và tâm lý thì làm sao họ không trách!”.

Chị Hạnh nói thêm: “Không lẽ chúng tôi đọc báo thấy luật BHYT có sự thay đổi rồi cứ thế làm theo. Chỉ khi nào có văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo từ đơn vị cấp trên, chúng tôi mới theo đó thực hiện. Trong khi đó, sự chỉ đạo lại quá chậm trễ”.

Lãnh đạo một phường nói rằng: “Tôi phải động viên anh em kiềm chế, mềm mỏng, dù người dân có nói nặng lời cỡ nào đi nữa. Thất vọng nhất là có cấp trên còn nói dỗi rằng: đại lý UBND xã, phường thấy khó quá không làm được thì chuyển qua cho đại lý thu của bưu điện làm!”.

Một quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2015 là mua BHYT bắt buộc theo hộ gia đình. Theo quy định này, thành viên thứ hai trong gia đình mua BHYT với giá chỉ bằng 70% người thứ nhất; các thành viên 3, 4, 5 trở đi lần lượt bằng 60%, 50% và 40%. Người thứ nhất hiện mua thẻ BHYT với giá 621.000 đồng.

Bài và ảnh: THU HOA

.