Thời gian qua, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiều kế hoạch nhằm tạo việc làm cho phụ nữ. Trong đó, mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ khá hiệu quả, giúp hàng trăm phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Khóa học may dân dụng do Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng tổ chức. |
Mang “đồ nghề” về vùng quê
Từ cuối năm 2013, lồng ghép vào hoạt động phong trào của các cấp Hội LHPN tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng đã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, chú trọng đào tạo nghề miễn phí đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ nghèo, vùng nông thôn, vùng di dời giải tỏa và có độ tuổi từ 40-60 để chủ động trong công tác tuyển sinh. Kết quả, đến nay, trung tâm đã tuyển sinh được 261 học viên nghề xã hội, 141 học viên được đào tạo nghề miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Hiền Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng cho biết: “Với phụ nữ vùng quê, nhận thức còn hạn chế về các chính sách việc làm nên rất cần sự sát cánh, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ thấy rằng, giải quyết việc làm cho lao động nữ không chỉ là trách nhiệm của xã hội mà còn của chính bản thân họ. Vì thế, chúng tôi xác định phải đến tận nơi để thu hút học viên nên những chuyến mang đồ nghề đến địa phương là chuyện đương nhiên. Chưa kể bất kỳ ngày nắng, ngày mưa, giáo viên cũng phải đến lớp với học viên”.
Theo đó, đối với các lớp may công nghiệp, trung tâm vận chuyển 10 máy may công nghiệp đến địa phương để học viên thực hành; đối với các lớp dạy nấu cỗ thì mang bếp, dụng cụ… Riêng đối với trồng hoa, trồng nấm thì trung tâm cử giáo viên đến tận nơi hướng dẫn.
Cũng theo bà Mai, sau khi đào tạo việc làm cho chị em, Trung tâm phối hợp với Ban Kinh tế của Hội LHPN thành phố hình thành các mô hình tạo việc làm tại chỗ, giải quyết đầu ra như: Tổ hợp tác may gia công (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); mô hình liên kết “nấm và hoa” (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang); tổ hợp mây tre (phường An Khê, quận Thanh Khê); mô hình trồng nấm (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang); mô hình nấu cỗ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang)…
Giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững
Mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ vừa giúp hội viên phát triển nghề đã học, vừa giải quyết việc làm cho phụ nữ, giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Những nghề được đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và gắn với vùng nông thôn như: may ráp quần áo, trồng nấm, trồng hoa, trồng rau, nấu cỗ…
Bà Lê Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ, phấn khởi cho biết, sau 3 tháng được Trung tâm tổ chức khóa học may dân dụng, các học viên đã được trang bị kiến thức cơ bản về kỹ thuật cắt, may dân dụng và tham gia Tổ hợp tác may gia công do Hội LHPN phường Hòa Xuân thành lập. “Cán bộ Hội LHPN quận, phường chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng rồi phân phối công việc cho các thành viên Tổ hợp tác may gia công. Hiện tổ này được Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng hỗ trợ 10 máy may, qua đó giúp nhiều chị em có việc làm, ổn định cuộc sống”, bà Hường cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Hội LHPN thành phố cũng có những hỗ trợ bước đầu, chẳng hạn hỗ trợ hệ thống nhà lưới, tưới tiêu (trị giá 150 triệu đồng) cho Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn ở xã Hòa Khương; hỗ trợ thành lập mô hình nấu cỗ (27 thành viên) cùng dụng cụ bếp cho các chị cũng tại xã Hòa Khương…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiền Mai, việc giải quyết đầu ra cho học viên chỉ ở mức “chấp nhận được”, Trung tâm rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để sản phẩm tiêu thụ được, giá thành bảo đảm… Trong thời gian đến, trung tâm sẽ tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả và đa dạng ngành nghề đào tạo hơn để phù hợp với nhu cầu xã hội, như bổ sung các khóa học kỹ thuật nấu ăn mầm non, thêu, hoa voan, kết cườm, chăn nuôi gia súc, gia cầm...; đào tạo 360 học viên học nghề miễn phí; đồng thời đề xuất kinh phí hằng năm để đào tạo nghề cho lực lượng lao động nữ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo của thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ