Cả ngày 7-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng.
Về nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị, tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là văn kiện trung tâm của Đại hội. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Tiểu ban văn kiện khẩn trương hoàn thiện Đề cương chi tiết và tích cực chuẩn bị dự thảo Báo cáo.
Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; qua nhiều cuộc khảo sát thực tiễn, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; làm việc với 22 Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; đặc biệt là ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến vào toàn văn dự thảo Báo cáo; tập trung vào các đề xuất, kiến nghị cụ thể nêu trong Tờ trình như: chủ đề và phương châm chỉ đạo của Đại hội XII; kết cấu và nội dung của dự thảo Báo cáo. Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá sát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào chậm hoặc chưa vào cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao?
Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tiễn hay do những nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện? Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
ĐCSVN