Chính trị - Xã hội

CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Cha mẹ "trực thăng"

09:37, 24/02/2015 (GMT+7)

Cha mẹ “trực thăng” là cụm từ tượng hình để gọi những ông bố, bà mẹ luôn “bám” lấy con mình 24/7, sẵn sàng có mặt cả khi con cần lẫn không cần sự hỗ trợ. Khái niệm này không mới ở phương Tây nhưng chỉ vừa định hình ở Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây…

1.

Hôm rồi, người bạn của tôi không ngừng than thở về việc phải đưa đón em trai đến nỗi không còn thời gian riêng cho bản thân. Bạn kể: “Sáng 6 giờ đưa em đến trường, trưa có khi 10 giờ 30, có khi 11 giờ 30 đón về. Chiều lại chở đi học thể dục, học bồi dưỡng. Tối nào cũng hai ca học thêm, nhà thầy cô lại cách xa tít tắp. Khoảng thời gian chờ để đón em phải lang thang ngoài đường chứ về nhà rồi quay lên thì vừa y buổi học…”.

Em trai của bạn năm nay học lớp 11, được cha mẹ chăm chút cho từng ly từng tí. Áo quần đi học, đi chơi có người ủi tinh tươm, treo sẵn. Đi đâu cũng có người đưa rước. Việc nhà không phải động tay vào, chỉ học, ăn và chơi. Sau một hồi trút bầu tâm sự, cô bạn thở dài: “Ba mẹ đi công tác xa nhà mà tối nào cũng đều đặn điện thoại về hỏi mình có lo cho em cái này chưa, có lo cho em cái kia chưa. Nhiều khi thấy mình giống bà mẹ trẻ hơn là chị gái. Nhưng góp ý thì ba mẹ lại bảo em còn nhỏ, con phải thương em…”.

Trường hợp của bạn tôi không phải là cá biệt trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Tâm lý mâu thuẫn “thả con ra đường sợ con hư, ôm con ở nhà lại lo con thành “gà công nghiệp” dường như ngày càng phổ biến trong các bậc phụ huynh. Sau một thời gian đấu tranh tư tưởng, một số dũng cảm lựa chọn “thả” để con có thể va vấp và tự đứng lên. Một số khác lại quyết định “ôm” vì không thể từ bỏ nỗi bất an trong lòng.

2.

Tôi vẫn nhớ hoài cậu bé hàng xóm cùng khu trọ hồi học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. S. sống khép kín, ít nói và ngại gặp người lạ, khác rất xa so với tính cách cởi mở, hiếu động của hai người bạn cùng phòng. S. không bao giờ tham gia các buổi hội họp của xóm trọ, chỉ thích ngồi trầm mặc hàng giờ đồng hồ trước cửa phòng.

Khi đã chơi thân với nhau, thảng hoặc, S. hay nói với tôi: “Em chẳng biết mình thích gì, chẳng biết mình muốn làm gì”. Một loạt câu hỏi tôi đưa ra đều nhận được cái lắc đầu của em cùng câu trả lời: “Em chẳng biết nữa”. Trong hơn 4 năm làm bạn với em, tôi chỉ thấy em tha thiết duy nhất một điều: “Sau này học xong, làm ở đâu cũng được, em không thích về nhà”.

Hóa ra, nguồn cơn của mọi việc bắt đầu từ sự quản thúc nghiêm ngặt của bố mẹ em. Cũng giống như em trai của bạn tôi, S. được chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ dù ở nhà hay khi đã đến trường. Đến độ, bạn bè vẫn thường trêu em là “công tử bột”. 18 tuổi, em chưa một lần tự quyết định lấy cuộc sống của chính bản thân. Ăn gì, học trường nào, định hướng tương lai ra sao đều do bố mẹ quyết.

Mọi chuyện ngày càng khủng hoảng trầm trọng khi em bước qua cánh cửa nhà, hòa nhập với các bạn cùng phòng trọ (đều là bạn cấp 3), với cuộc sống sinh viên. Em cảm thấy mình bước hụt chân và ngày càng tụt sâu vào khoảng trống tự tạo khi không còn bố mẹ bên cạnh để tư vấn, hỗ trợ.

3.

Cha mẹ nào cũng thương con nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc cùng con. Nỗi lòng của S. có lẽ cũng là nỗi lòng của không ít người: “Em luôn cảm ơn bố mẹ đã yêu thương em. Em rất cần bố mẹ hỗ trợ, song hành trong cuộc sống của mình nhưng không phải làm thay em tất cả mọi chuyện. Em mong được bố mẹ tin tưởng, dù chỉ một lần...”.

NAM BÌNH

.