Chính trị - Xã hội

Tôi yêu món Việt!

08:40, 22/02/2015 (GMT+7)

Ẩm thực là một ví dụ điển hình về tính đa dạng của đất nước Việt Nam.

Đó là chia sẻ của Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM, bà Rena Bitter, ngay ngày đầu tiên quay trở lại thành phố mang tên Bác vào những ngày chớm lạnh cuối năm 2014 sau kỳ nghỉ kéo dài hơn 3 tuần tại quê nhà.

Bà Rena Bitter - Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Rena Bitter - Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM.

Hình ảnh bà tổng lãnh sự tươi cười bên tô phở cùng “tâm sự” đầy ý nghĩa bằng tiếng Việt đăng trên tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân nhận được sự chia sẻ hào hứng của bạn bè, không chỉ ở nước chủ nhà của phở. Dường như món ăn nổi tiếng của Việt Nam này đã chinh phục được nhà ngoại giao vốn đã có không ít trải nghiệm với văn hóa ẩm thực nhiều nơi trên thế giới.

Về Mỹ, bà cũng không giấu giếm nỗi nhớ đối với món ăn đậm đà hương vị Việt này: “Ngày mai tôi trở lại Việt Nam. Không khỏi buồn vì phải rời xa gia đình và bạn bè nhưng tôi cũng nóng lòng được thưởng thức một tô phở bò lớn”.

Ngoài phở Hà Nội, bà Rena Bitter còn say mê kể với chúng tôi tên nhiều món ăn đặc trưng khác của Việt Nam như bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh đa cua Hải Phòng, gỏi cuốn, mì Quảng và rất nhiều món khác nữa...

“Giống như nhiều người Mỹ, tôi yêu đồ ăn Việt Nam. Có lẽ bạn đã biết nhiều đầu bếp nổi tiếng người Mỹ đã đến Việt Nam để tìm nguồn cảm hứng. Ẩm thực cũng là một ví dụ điển hình về tính đa dạng của đất nước Việt Nam. Do TP HCM có cư dân từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống nên sở hữu nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn của mọi miền” - nữ tổng lãnh sự trải lòng.

Việc sử dụng tiếng Việt một cách giản dị và tự nhiên cũng khiến mỗi chia sẻ hay tuyên bố của bà tổng lãnh sự đến từ TP Dallas, tiểu bang Texas trở nên gần gũi hơn. Bà cho biết vẫn đang tiếp tục học tiếng Việt không chỉ vì đó là đòi hỏi đối với một nhà ngoại giao Mỹ tại Việt Nam nhằm dễ dàng hiểu hơn về xã hội, văn hóa và người dân địa phương.

Chia sẻ về kỷ niệm với tiếng Việt, bà Bitter kể: “Khi tôi nói tiếng Việt, mọi người rất kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng hiểu. Tôi rất cảm kích vì điều đó, kể cả khi tôi phát âm sai, muốn hỏi đường đến “nhà ga” nhưng lại nói thành hỏi đường đến “gà”. Tôi thấy người Việt rất trân trọng nỗ lực của người khác! Tôi cũng vậy, mỗi lần đến Trung tâm Mỹ đặt tại tòa nhà Diamond Plaza và chứng kiến hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam luyện tập kỹ năng tiếng Anh thì những nỗ lực của họ thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi”.

Theo bà Bitter, mỗi ngày ở mảnh đất hình chữ S này luôn mang lại những điều mới mẻ về văn hóa. Trong đó, về cơ bản, người Việt Nam và người Mỹ gặp nhau ở khía cạnh đều hướng nhiều đến gia đình, đều nỗ lực tạo cho thế hệ sau một cuộc sống tốt đẹp hơn so với thế hệ mình. Đó cũng là cảm nhận của bà từ cái Tết tuyệt vời được trải nghiệm ở Việt Nam hồi năm 2013, bởi đó cũng là thời điểm thể hiện rõ ràng nhất tình cảm gia đình gắn bó của người Việt.

Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp ngoại giao trải dài trên nhiều khu vực như châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latin và Washington DC sau khi tốt nghiệp đại học Northwestern - Mỹ, lễ đón năm mới ở mỗi nơi với truyền thống riêng đều để lại những dấu ấn khác nhau, riêng Tết ở Việt Nam được bà Rena Bitter dành cho những tình cảm rất đặc biệt: “Tết ở Việt Nam rất vui! Tôi rất thích mặc áo dài Việt Nam đến dự các bữa tiệc Tết”.

Về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, Tổng Lãnh sự Rena Bitter khẳng định khó có thể tìm được hai quốc gia nào đã hợp tác cùng nhau tích cực hơn và nỗ lực nhiều hơn để vượt qua những khác biệt, xây dựng một mối quan hệ ngày càng phát triển nhanh chóng và đặt nền tảng cho một sự hợp tác gần gũi hơn nữa trong tương lai.

Năm 2015 cũng đánh dấu năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Washington. Trong 2 thập kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ gần như không có hoạt động thương mại, tới nay Mỹ đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; từ chưa đầy 1.000 du học sinh Việt Nam học tập tại các trường đại học ở Mỹ, đến nay đã có gần 17.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ.

www.nld.com.vn

.