Chính trị - Xã hội

Chủ động phòng, chống cháy, nổ dịp Tết

07:54, 02/02/2015 (GMT+7)

Cuối năm, tình hình mua bán, vận chuyển, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng cao. Vì vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, thành phố Đà Nẵng đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống cháy nổ (PCCN) trên địa bàn.

Diễn tập phòng chống cháy nổ ở chợ Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Diễn tập phòng chống cháy nổ ở chợ Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Không chủ quan

Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (CSPCCC) thành phố Đà Nẵng, năm 2014, trên địa bàn xảy ra 83 vụ cháy và 41 sự cố cháy, nổ (trong đó cháy rừng 16 vụ), tăng 2 vụ so với năm 2013. Thiệt hại ước tính 722 triệu đồng, làm bị thương 4 người.

Đại tá Lê Ngọc Hải, Phó Giám đốc CSPCCC thành phố cho biết: Năm 2014, trên địa bàn thành phố không có người chết do cháy nổ, đó là một điều hết sức phấn khởi, tuy nhiên, không chủ quan, lơ là với công tác PCCN. Theo Đại tá Hải, nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện chiếm 47%; khu vực xảy ra cháy tập trung ở khu vực nhà dân 59 vụ…

“Càng gần Tết thì tình hình cháy nổ tiềm ẩn nguy cơ cao và khó kiểm soát hơn. Vì vậy, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền PCCN đến toàn dân theo phương châm “phòng là chính”. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu PCCN không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, mà là nhiệm vụ của toàn dân”, Đại tá Hải nói.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Lữ Bằng, cho biết nhằm chủ động PCCN trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, điều chỉnh hoạt động của các ban quản lý, tổ quản lý chợ trên địa bàn thành phố.

Định kỳ hằng quý tổ chức kiểm tra PCCN tại các điểm chợ, siêu thị, kho chứa hàng, sau đó đánh giá nguy cơ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Song song đó, cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao ý thức toàn dân PCCN qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống loa được gắn ở các chợ; buộc các tiểu thương mua bảo hiểm hàng hóa…

Đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho hàng... thì tổ chức hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCN trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Tổ chức cho các ban quản lý chợ ký cam kết 100% về trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCN khu vực mình quản lý.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở

Ông Phạm Phước, Trưởng Ban quản lý (BQL) các chợ quận Liên Chiểu chia sẻ: “Vào dịp cận Tết, tiểu thương trưng bày số lượng hàng hóa khá lớn. Nhằm bảo đảm an toàn về PCCN trong khu vực chợ, những ngày qua, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu tiểu thương làm tờ cam kết tuân thủ các biện pháp về PCCN, tuyệt đối cấm việc thắp hương, nấu nướng tại điểm bán hàng.

Bên cạnh đó, Ban quản lý thay thế những đoạn dây điện cũ; sửa chữa, bổ sung những thiết bị, phương tiện chữa cháy mới tại các chợ do đơn vị quản lý; phân công Đội quản lý các chợ túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra”.

Chị Mỹ Lan, chủ hàng kinh doanh tạp hóa tại chợ Hòa Khánh cho biết, công tác PCCN không chỉ từ phía BQL chợ mà mỗi tiểu thương cần phải nâng cao ý thức PCCN, bởi nếu để xảy ra cháy, nổ thiệt hại nặng nhất vẫn chính là tiểu thương. Vì vậy, ở chợ Hòa Khánh khi BQL chợ thông báo kế hoạch xây dựng mô hình “quầy hàng, sạp hàng an toàn PCCC” hầu hết các hộ tiểu thương trong chợ đều hưởng ứng tham gia.

Để PCCN đạt hiệu quả, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi cho người dân, Đại tá Hải cho rằng, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể công tác PCCN tại các khu dân cư, nhất là các khu dân cư có nguy cơ cháy cao.

Trong đó chú ý kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ xen lẫn khu dân cư. Ngoài ra, phải tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, đặc biệt trong mùa mưa để có giải pháp nâng cấp và xử lý khắc phục những khu vực lưới điện có nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Cùng với công tác tuyên truyền, các chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh, các nhà đầu tư, ban quản lý... thường xuyên tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện PCCC như máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy... bảo đảm các phương tiện này luôn hoạt động tốt.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

.