Chính trị - Xã hội
Làm từ thiện theo… kiểu thầy thuốc
Đợt nghỉ Tết Ất Mùi vừa qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi tiếp nhận một sản phụ dân tộc thiểu số đến từ tỉnh Quảng Nam trong tình trạng tiểu cầu xuống thấp và thuộc nhóm máu hiếm.
Sản phụ đã mở được 6 phân, nhưng tính mạng hai mẹ con như ngàn cân treo sợi tóc. Trước tình hình đó, bệnh viện phải kêu gọi sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ thành phố, nhưng do trùng thời gian nhiều người nghỉ Tết nên lượng máu hiếm huy động vẫn không đủ. Thế là, không ai khác, chính các cán bộ y tế của bệnh viện, những người đang có mặt trực Tết trở thành “nguồn máu” đưa hai mẹ con vượt cạn thành công. Mẹ tròn con vuông không chỉ từ kỹ thuật chuyên môn mà còn từ dòng máu của chính bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Đó là một trong hàng ngàn câu chuyện làm việc thiện của y, bác sĩ tại khắp các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Với giới báo chí, bác sĩ từ lâu đã trở thành “nhịp cầu” kết nối bao tấm lòng nhân ái. Rất nhiều lần phóng viên chúng tôi “vác máy ảnh” chạy ào đến bệnh viện không để phản ánh vấn đề chuyên môn, mà chỉ để tiếp nhận sự chia sẻ của bác sĩ, điều dưỡng về những ca hiểm nghèo cần giúp đỡ. Em bé bị ong đốt hàng trăm mũi, cô giáo nghèo đơn thân bị ung thư, hay một trường hợp bệnh nặng hiếm gặp được chính người trong cuộc là các bác sĩ điều trị kể lại với nỗi lo đong đầy. Lo cho sức khỏe người bệnh và lo cả việc họ sẽ lấy gì sống trong những ngày điều trị. Và như bao nhà từ thiện chuyên nghiệp khác, các y, bác sĩ cũng trực tiếp hoặc thông qua thông tin trên báo, đài vận động được những số tiền không nhỏ hỗ trợ người bệnh.
Với Bệnh viện Đà Nẵng, bé Nguyễn Phước Châu (2 tuổi) bị não úng thủy là bệnh nhân thân thuộc khi cứ ra ra vào vào bệnh viện thường xuyên. Bé Châu được sư cô chùa Quang Châu nuôi nấng từ thuở lọt lòng. Thấy hoàn cảnh bé đơn côi, khó khăn, một kỹ thuật viên của bệnh viện này đã đứng ra kêu gọi, quyên góp tiền mua sữa cho bé.
Tặng một vài lon sữa hay trả giúp số tiền viện phí sau khi bảo hiểm y tế thanh toán cho chính bệnh nhân của mình có lẽ đã trở thành chuyện bình thường của những người làm ngành y. Không chỉ tìm nguồn hỗ trợ vật chất, ở nhiều bệnh viện, căn phòng bệnh trở thành nhà của một số bệnh nhân.
Có bé mới ra đời bị ba mẹ bỏ rơi. Vậy là bé có đến… hàng chục ba, mẹ, anh, chị khác là y, bác sĩ của chính khoa, phòng đó. Từng giọt sữa, từng đêm bé quấy khóc đều có sự dỗ dành, chăm bẵm của những người thầy thuốc. Nói đến chuyện mai mốt bé phải tìm một mái ấm thực sự cho mình chứ không thể mãi ở trong bệnh viện, nhiều bác sĩ, điều dưỡng cố ngăn nước mắt khi chưa xa đã nhớ bé đến nao lòng.
Tại Bệnh viện Da liễu, phòng điều trị bệnh nhân mắc bệnh phong trở thành nhà của hai bệnh nhân cao tuổi. Hai bác đến từ Làng Vân nhưng ở riết trong bệnh viện… không chịu về vì “ở đây được chăm sóc tốt hơn ở nhà”. Nhiều năm tháng qua, các bác không chỉ được điều trị mà còn được bệnh viện “bao trọn gói” chi phí ăn uống, sinh hoạt.
Thật khó để liệt kê đủ những việc thiện các y, bác sĩ đã làm, khi có quá nhiều điều diễn ra hằng ngày trong âm thầm, lặng lẽ với trái tim thực sự yêu thương của người thầy thuốc. “Làm việc tốt hiếm khi được khen, mà “đụng” đến thân thể người bệnh sẽ lập tức bị dư luận phán xét không tiếc lời”, đó lẽ nào cũng là một… chuyện thường ngày khác nữa của những người bước chân vào công việc mang thiên chức “như mẹ hiền”.
THU HOA