Chính trị - Xã hội

Nguyễn Bá Thanh với bóng đá Đà Nẵng

07:22, 17/02/2015 (GMT+7)

Với Đà Nẵng, ông để lại quá nhiều dấu ấn và bóng đá sông Hàn không là ngoại lệ. Thái độ trách nhiệm, sự đam mê và biết cách biến bóng đá thành một kênh quảng bá cho hình ảnh Đà Nẵng đã giúp bóng đá Đà Nẵng tái sinh.

 

Chưa kịp gượng dậy sau nghi án tiêu cực, chịu kỷ luật xuống hạng ở giải hạng các đội mạnh 1995, bóng đá Đà Nẵng tiếp tục thoái trào khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách vào năm 1997. Lứa cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” như Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Trương Văn Lợi… lần lượt giã từ sân cỏ.

Bấy giờ, với cương vị Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông đã quyết định lấy đội bóng đá Công ty Cấp nước Đà Nẵng làm nòng cốt, với sự bổ sung những “cựu binh” như: Đào Quang Hùng, Hà Xá, Nguyễn Thành Thống (từ Công an Quảng Nam - Đà Nẵng), Nguyễn Phương Trung… kết hợp lứa cầu thủ trẻ cùng lực lượng cầu thủ của Công ty Cấp nước Đà Nẵng để xây dựng lại nền tảng ban đầu cho bóng đá Đà Nẵng.

Tuy nhiên, thành tích của đội Đà Nẵng vẫn không có những chuyển biến lạc quan đến độ ông phải yêu cầu Sở Thể dục-Thể thao thành phố tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá. Với cách làm quyết liệt, đúng với “tính cách Nguyễn Bá Thanh”, bóng đá Đà Nẵng lần lượt đạt hiệu quả tức thời.

Có lẽ sự đam mê ăn sâu vào máu, đến độ trên nghị trường, trong các buổi họp, ông thường đem bóng đá vào để dẫn chứng. Với ông, công việc cũng như một trận bóng đá. Muốn thắng đối phương thì 11 cầu thủ trên sân đều phải nỗ lực cao nhất. Song đôi lúc, vẫn “có những anh đá hết sức, có anh lại “giữ giò”. Bởi khi chia tiền thưởng thì như nhau nên cần gì phải đá”. Chính cái “triết lý bóng đá” ấy được ông vận dụng vào công tác quản lý để tạo nên sự minh bạch, công bằng, giúp bộ máy công quyền của Đà Nẵng từng bước tạo được niềm tin của người dân.

Có lần ông dùng hình ảnh của một cầu thủ mà ông yêu mến để làm minh chứng trong một buổi nói chuyện. Đáng tiếc sau đó, việc cầu thủ này cùng một vài đồng đội “dính chàm” bị vỡ lở. Có người tiếc cho niềm tin của ông, có người lo ngại cho tương lai của chính cầu thủ đó. Thế nhưng, sau khi các cầu thủ chấp hành án phạt, ông đã âm thầm yêu cầu CLB Đà Nẵng tiếp nhận trở lại, giải quyết chế độ hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất và mở lại cơ hội để chờ ngày họ quay lại sân cỏ. Chính cách hành xử bao dung ấy của ông trở thành động lực để những con người từng lầm lỡ biết đâu là bờ.

Ông là người trực tiếp gọi điện thoại để đưa Lê Huỳnh Đức đến với bóng đá Đà Nẵng khi anh gần như bế tắc, sau khi bị gán cho cái gọi là “quyền lực đen” ở đội Công an thành phố Hồ Chí Minh. Đáp đền lại cái ân trạch ấy, đến nay, Lê Huỳnh Đức cùng học trò của mình đã mang về cho bóng đá sông Hàn hai danh hiệu Vô địch V-League, 1 Cúp Quốc gia cùng 1 Siêu Cúp quốc gia. Và cũng bởi cách ứng xử được xem là “mã thượng” ấy, ông đã thu phục được chiến lược gia Lê Thụy Hải, vốn nổi tiếng về “sự khó gần”, để mỗi khi có dịp về Đà Nẵng, vị HLV này luôn tìm đến thăm ông.

Có dạo đam mê của ông bị không ít người móc máy. Thế nhưng, ông thẳng thừng: “Chẳng lẽ lãnh đạo không được mê bóng đá! Mấy ông cũng thấy, bóng đá góp phần mang lại cho Đà Nẵng nhiều thứ đó chứ!”. Không sai khi bằng một trận “bóng đá thế kỷ” - giữa “đội” Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh làm thủ quân và “đội” Thừa Thiên- Huế do Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế làm thủ quân - Ban tổ chức đã thu về 6 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền này được dùng để giúp đỡ người dân Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng bị thiệt hại do cơn bão Xangsane. Rồi việc chuyển giao CLB Đà Nẵng cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội cũng mang về cho Đà Nẵng 20 tỷ đồng để xây dựng Bệnh viện Ung thư. Từ năm 2011, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng còn trích 5% tiền bán vé trên sân Chi Lăng ủng hộ cho Bệnh viện.

Từ cuối năm 2012, được điều động ra Hà Nội nhưng mỗi khi có dịp, ông vẫn đến sân Chi Lăng dự khán những trận đấu của “đứa con” do ông nuôi dưỡng suốt những năm qua. Và cứ mỗi trận đấu của SHB Đà Nẵng, sự hiện diện của ông trên khán đài như tiếp thêm động lực để mỗi cầu thủ đều tận hiến đến những giọt sức cuối cùng.

Ngày CLB SHB Đà Nẵng đăng quang ngôi vô địch ở V-League 2009 sau 17 năm đằng đẵng đợi chờ, trên khán đài B, người hâm mộ đã in chân dung ông rất lớn, căng tràn cả khán đài như một sự tri ân. Sau này, mỗi khi ông trở về từ Hà Nội và đến sân Chi Lăng, khán giả vẫn dành cho ông những tràng pháo tay chào đón.

Vậy mà, kể từ hôm nay, sân Chi Lăng cũng như người hâm mộ đã không còn cơ hội chào đón ông Nguyễn Bá Thanh, người được xem là “kiến trúc sư” của bóng đá Đà Nẵng. Nhưng chắc chắn, sâu thẳm trong trái tim của từng người hâm mộ, trong tình cảm của từng thành viên CLB SHB Đà Nẵng, ông vẫn còn hiển hiện đâu đó. Bởi với việc giúp bóng đá Đà Nẵng tái sinh, ông đã thành bất tử…

BẢO AN

.