Chính trị - Xã hội
Tết Ất Mão (1975), bộ đội ta đón Tết như thế nào?
Viết về chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, có nhiều tác phẩm văn học, báo chí, hồi ký, các công trình khoa học của nhiều tác giả, từ người chỉ huy cao nhất đến các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học; các bài hát của các nhạc sĩ đến những nghiên cứu của sinh viên; những bài viết sử của học sinh phổ thông các cấp. Làm nên chiến thắng đó là công lao của đồng bào, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu 21 năm trời. Bài viết này viết về một chủ đề ít được ai đề cập, đó là cuộc sống đời thường một đơn vị bộ đội trong dịp Tết Ất Mão dưới cái nhìn của một chiến sĩ lúc bấy giờ.
Sau Hiệp nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973), đơn vị tôi, Trung đoàn pháo Phòng không 234 (là một trong những đơn vị bảo vệ thủ đô Hà Nội trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ từ 1964 - 1968 và 1972), thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyến hành lang vận tải từ Đắk Tô đến Võ Định (Kon Tum), trong đó có cầu Diên Bình, một cầu nhỏ bắc qua sông Đắk Bla nhưng có vị trí quan trọng trên huyết mạch giao thông phục vụ cho cuộc đấu tranh chống lấn chiếm vùng giải phóng tây bắc và đông bắc thị xã Kon Tum.
Cuối tháng 10-1974, khi những cơn mưa cuối mùa mưa thưa dần, đơn vị nhận được lệnh hành quân đi nhận nhiệm vụ mới.
Một buổi chiều, các đơn vị cao xạ bảo vệ cầu Diên Bình nhận mệnh lệnh chuẩn bị hành quân. Nhiều chiến sĩ không quên tạm biệt bà con thôn Diên Bình - địa bàn được giải phóng trong chiến dịch Đắk Tô – Tân Cảnh ngày 22-4-1972. Đa số dân cư Diên Bình là bà con nông dân từ vùng đồng bằng duyên hải miền Trung bị Mỹ - Diệm cưỡng ép lên Tây Nguyên, lập khu trú mật những năm 1957- 1958. Là vùng giải phóng nhưng đây là một địa bàn nhạy cảm. Địch tung mật vụ do thám tình hình vùng giải phóng, thông qua tay chân nắm tình hình quân sự của ta. Việc tổ chức hành quân không tỏ ra bí mật, phải chăng là nằm trong chiến thuật nghi binh đánh lạc hướng của ta?
Các "tham mưu con" đều đoán già đoán non rằng, năm nay đánh ở đâu, vào thời điểm nào... Nhiều ý kiến cho rằng, cũng như Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ta sẽ đánh vào dịp Tết để tạo thế bất ngờ!
Hai tháng đóng quân dọc theo sông Sa Thầy, cuối tháng 12, chúng tôi mới hành quân về phía nam theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông. Sau Hiệp định Paris năm 1973, để thuận tiện cho việc tiếp tế cho cách mạng miền Nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh nhánh đông. Thực hiện chủ trương đó, tháng 6-1974, ta tiêu diệt quân địch ở Đăk Pét (ngày nay là huyện lỵ Đắk Glây, Kon Tum), tháng 7-1974, ta tiêu diệt căn cứ Thượng Đức (Đại Lộc, Quảng Nam). Đây là hai cứ điểm án ngữ trên đường 14, khống chế tuyến đường Hồ Chí Minh mới. Nhờ đó, đường giao thông Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào Tây Nguyên không phải qua Lào.
Đầu tháng 1 năm 1975, chúng tôi đến Đắk Lắk. Khi đến trạm giao liên phía Tây Nam Đắk Lắk, qua nghe đài, chúng tôi biết được ta đã tấn công và giải phóng Phước Long ngày 6 - 1 - 1975, tức ngày 24 tháng 11 năm Giáp Dần. Chiến thắng Phước Long là một liều thuốc thử để chúng ta khẳng định Mỹ không có khả năng can thiệp khi ta đánh lớn ở miền Nam.
Sau vài ngày nằm ở trại giao liên, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân về phía nam, đóng quân trong khu rừng già bên suối Đắk Đam, con suối biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Thời gian chờ đợi lâu, hằng ngày, đơn vị tiếp tục triển khai làm công tác huấn luyện và bảo quản vũ khí, khí tài, và cũng đã gần giáp Tết Ất Mão, chúng tôi rất sốt ruột. Chính ủy trung đoàn phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và giải thích: Địch đang đề phòng ta tấn công vào dịp Tết, cho nên việc tấn công địch vào dịp Tết để tạo thế bất ngờ không còn nữa. Hơn nữa, chiến tranh có người mất người còn, phải để cho nhân dân, bộ đội ta và cả binh lính phía bên kia ăn Tết. Bởi lẽ, đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán cổ truyền vô cùng thiêng liêng, là lúc sum họp gia đình, cúng ông bà, tổ tiên. Vả lại, cha ông ta thường nói: Trời đánh tránh bữa ăn. Để cho đồng bào, chiến sĩ ăn Tết rồi đánh cũng không muộn.
Tết năm ấy, dù chuẩn bị chiến đấu, xa hậu cứ, nhưng không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ có tư tưởng xuê xoa; trái lại, lãnh đạo và chiến sĩ trong đơn vị chuẩn bị chu đáo Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài vật chất mà hậu cần đơn vị lo theo tiêu chuẩn như nếp, thịt tươi, thịt hộp, các đơn vị tìm mọi cách để cải thiện thêm nên chúng tôi đón Tết Ất Mão rất "xôm". Bánh chưng, thịt đông là những món cổ truyền, thịt gà (qua trao đổi với đồng bào Campuchia). Lại có cả món cá kho, cá chiên do câu được (suối Đắk Đam rất nhiều cá, có loại cá ở mỗi bên lưng có một sọc trắng từ mang đến đuôi, chúng tôi đặt tên là cá chuẩn úy). Một món đặc biệt là củ bở rừng, có thể luộc hoặc nấu canh, rau dớn hái ven suối. Phong lan rừng với nhiều loài là thứ hoa trang trí và cũng là quà Tết tặng lẫn nhau, kể cả làm quà biếu cho cấp trên. Như vậy, về vật chất và tinh thần đều đầy đủ, cho nên chúng tôi rất vui vì có một cái Tết tươm tất.
Đêm giao thừa, ngoài một số anh em trực chiến, từng đại đội tổ chức đón giao thừa. Sau khi nghe chúc Tết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng qua radio (trước lúc đi chiến dịch, mỗi đơn vị được phát một đài Lido mới), sau đó tổ chức hái hoa dân chủ với những bài hát: Mừng xuân 1968 (phổ nhạc Thư chúc mừng năm mới 1968 của Bác Hồ), Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Tây quê lụa, Hò sông Mã anh hùng, Tổ ba người...
Tuy nhiên, cũng trong những ngày tập kết và chuẩn bị đón Tết, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ - từ Bộ Tư lệnh tối cao đến các chiến sĩ trinh sát - âm thầm chuẩn bị cho chiến dịch lớn.
Sau đón Tết, ngày 9 tháng 3 năm 1975, tức 27 tháng Giêng năm Ất Mão, đơn vị chúng tôi cùng Sư đoàn bộ binh 10 tấn công Đức Lập – Đắc Song. Vào lúc 1 giờ 55 phút, ngày 10 tháng 3 tức 28 tháng Giêng năm Ất Mão, quân ta tấn công Buôn Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Đòn tấn công Buôn Mê Thuột, về mặt quân sự là một đòn hiểm, đã làm rúng động hệ thống phòng thủ của địch, báo hiệu sự sụp đổ không tránh khỏi của chế độ Sài Gòn. Với những người lính chúng tôi, việc Bộ Tư lệnh tối cao quyết định chọn giờ G vào đầu tháng 3 năm 1975 là một quyết định thấm đượm tình người, mang đậm tính nhân văn.
TRƯƠNG MINH DỤC
Nguyên nhân viên Ban Chính trị, Trung đoàn Phòng không 234,
Bộ Tư lệnh Tây Nguyên (tháng 3-1975 là Quân đoàn 3)