Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng "khát" lao động tiếng Nhật

07:56, 25/03/2015 (GMT+7)

Việc biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật, giúp các lao động trẻ tại Đà Nẵng rất dễ tìm được việc làm, bởi hiện nay nguồn cung lao động biết tiếng Nhật vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Công ty TNHH phần mềm FPT tại Đà Nẵng đang có nhu cầu tuyển nhiều lao động, đặc biệt là lao động thông thạo tiếng Nhật.
Công ty TNHH phần mềm FPT tại Đà Nẵng đang có nhu cầu tuyển nhiều lao động, đặc biệt là lao động thông thạo tiếng Nhật.

Nhu cầu lớn

Công ty TNHH phần mềm FPT tại Đà Nẵng (FPT Software Đà Nẵng) là một thành viên thuộc Tập đoàn FPT, hoạt động trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng công ty có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, đạt 50-60%/năm. Trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để ủy thác dịch vụ phần mềm như: Ấn Độ, Ukraine..., trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản.

“Hiện công ty chúng tôi có 1.300 lao động và phấn đấu tăng lên hơn 3.000 người. Chúng tôi rất cần lao động thông thạo tiếng Nhật. Công ty đã phải bỏ chi phí đào tạo tiếng Nhật cho hơn 50 kỹ sư phần mềm trong đơn vị để đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường tại Nhật Bản”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng nói.

Ông Phương cho biết thêm, người lao động giỏi tiếng Nhật là vốn quý của công ty bởi chính họ trực tiếp làm việc với khách hàng Nhật để thương lượng, đàm phán, phân tích các yêu cầu của dự án và truyền đạt cho đội dự án ở Việt Nam. Thành công của dự án có sự đóng góp không nhỏ của họ. “Chúng tôi vẫn đang tuyển lượng lớn lao động, nhất là những lao động thông thạo tiếng Nhật nhưng vẫn chưa đủ”, ông Phương nói thêm.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có hơn 100 doanh nghiệp và văn phòng đại diện, chi nhánh công ty Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, tập trung các lĩnh vực: chế biến bột giấy xuất khẩu, hỗ trợ trồng rừng tạo nguyên liệu để làm bột giấy, nhà hàng ăn uống, chế biến hải sản và nông sản, lưới xuất khẩu, sản xuất giỏ lưới, sản phẩm lưới, cần câu, linh kiện điện tử, gia công phần mềm, thiết kế…

Đặc biệt, nắm bắt nhanh xu hướng đầu tư hiện nay, thành phố đã phê duyệt kế hoạch xây dựng khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản (100ha). Tập đoàn Đức Mạnh và UBND thành phố đã chính thức ký kết bản ghi nhớ với Tập đoàn Nikken Sekkei (Nhật Bản) để tư vấn và thực hiện dự án này. Bởi vậy, nhu cầu lao động thông thạo tiếng Nhật để cung ứng cho các đơn vị trên là không nhỏ.

Vẫn chưa đáp ứng đủ

Trao đổi với chúng tôi, bà Tăng Thanh Mai, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết, từ năm 2003 đến nay, trường đã mở 8 khóa đào tạo tiếng Nhật với tổng số hơn 300 sinh viên. Từ năm 2003-2008, mỗi năm trường chỉ mở 1 lớp; nhưng từ năm 2011 đến nay, do nhu cầu lớn của thị trường lao động thông thạo tiếng Nhật nên trường mở 3 lớp mỗi năm. “Hầu hết sinh viên học tiếng Nhật ra trường có việc làm ngay. Nhiều em trong thời gian thực tập đã được doanh nghiệp “chấm” sẵn và hứa hẹn mức thu nhập hấp dẫn”, bà Mai nói.

Bà Mai cũng cho biết, chỉ tiêu đào tạo 100 sinh viên tiếng Nhật/năm hiện vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường và nhà trường dự kiến tăng chỉ tiêu lên nhiều hơn nếu tuyển đủ giáo viên.

Ngay cả trong đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của Đà Nẵng, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Nhật cũng chỉ có vài chục người. Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản phối hợp với Trường Đại học Đông Á, Tổ chức JICA, doanh nghiệp lữ hành Nhật tại Đà Nẵng đã mở nhiều khóa hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Trước tình hình đó, các trung tâm tiếng Nhật tại Đà Nẵng đang xuất hiện khá nhiều như: Trung tâm Nhật ngữ Sakura, Trung tâm Nhật ngữ Đông Du, Trung tâm Nhật ngữ Kokoro… Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, khó khăn hiện nay là lao động có chuyên môn về một lĩnh vực nào đó nhưng không biết tiếng Nhật và ngược lại biết tiếng Nhật nhưng không có chuyên môn nghiệp vụ.

Bởi vậy, việc đào tạo ngôn ngữ này cần được thực hiện từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện có 3 trường THCS là Tây Sơn (quận Hải Châu) và Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn), Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) dạy thí điểm tiếng Nhật cho học sinh. Theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nghiệp hợp tác với Nhật Bản, tiếng Nhật cần được tăng cường dạy ở các bậc học phổ thông và ĐH tại Đà Nẵng để có thể tạo lực lượng lao động có chuyên môn và thông thạo tiếng Nhật.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.