Với những người lính Cụ Hồ, kết nạp Đảng ngay tại chiến trường là giây phút ý nghĩa và thiêng liêng nhất.
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng đã xúc động kể về những buổi lễ đáng nhớ ấy.
Cựu chiến binh Đặng Văn Lái (bên trái) kể lại trận đánh ở hang Âm Phủ. |
Trên cứ điểm Nông Sơn
Dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước (18-7-1974 - 18-7-2014), đoàn Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 (nay là Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) về lại chiến trường xưa. Họ kể câu chuyện thú vị, đó là ngay sau chiến thắng đã có buổi lễ kết nạp đảng viên thật trang trọng cho một chàng trai rất mê thơ phú. Đảng viên mới chính là người đã cắm cờ trên đỉnh Nông Sơn.
CCB Nguyễn Đình Trấc, nguyên Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 kể: “Trận đánh Nông Sơn - Trung Phước là chiến thắng vẻ vang của toàn Quân khu 5. Nhưng trong thời điểm quan trọng có công lớn của trung đội 1, Đại đội 7 do cậu Phong làm trung đội trưởng. Sau này, Đại đội 7 đã được tuyên dương Anh hùng LLVTND”.
Theo ông Trấc, khi trận đánh được khai hỏa và giải quyết xong các mục tiêu thì có tình huống ngoài dự kiến. Một tiếng nổ rền dưới lòng đất, hất tung đơn vị, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh. Sau này, địch khai rằng đây là những thùng phuy được nhồi thuốc TNT chôn sâu dưới đất dùng để ngăn cản Việt Cộng. Lợi dụng bờ ta-luy tránh được sức ép thuốc, trung đội trưởng Phong và tổ chủ công bất chấp làn đạn của địch xông lên phía trước và Phong cũng chính là người đầu tiên cắm lá cờ Mặt trận lên Sở chỉ huy địch. Tuy nhiên, do lá cờ của Trung đội 1 mang theo bị khối thuốc TNT hất tung gãy cán, chỉ còn một đoạn ngắn, nên khi cắm vào lô cốt chỉ huy của địch đã bị khuất lấp. Vài phút sau, lá cờ của Phạm Văn Chiến, Đại đội 5, có cán dài 2m được cắm tiếp trên đỉnh báo hiệu tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Nông Sơn.
CCB Nguyễn Chí Phong nhớ lại: “Tôi quê ở Quảng Bình, đi bộ đội khi còn là sinh viên ĐH Bách khoa, đã lập được một số chiến công, rất mong muốn được vào Đảng nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được ước mơ. Chỉ vì ngày đó thường chép thơ lãng mạn thời tiền chiến, các anh bảo còn tư tưởng tiểu tư sản. Nhưng trận đánh Nông Sơn đã thay đổi cuộc đời tôi. 19 giờ ngày chiến thắng 18-7, trên đỉnh Nông Sơn, Chính trị viên Đại đội 7 Nguyễn Đình Trấc tuyên bố trước đại đội: “Thay mặt chi ủy chi bộ và Ban Chỉ huy Đại đội 7, tôi sẽ đề nghị Đảng ủy Tiểu đoàn 8 kết nạp Đảng cho đồng chí Phong”.
Ngày 10-8, ngay tại cứ điểm Nông Sơn, lễ kết nạp được tổ chức trong căn nhà nửa chìm nửa nổi dưới chân suối Cạn. 12 đảng viên của đại đội 7 nghiêm trang dự lễ kết nạp cho đồng đội mình. Mùi khói thuốc như vẫn còn vương vất đâu đó. Tiếng súng ở chiến trường Nông Sơn đã ngưng nhưng vẫn còn vang tiếng nổ từ các mặt trận. Cầm tờ quyết định là đảng viên trên tay, Trung đội trưởng Phong thề trước cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam nguyện suốt đời trung thành với Đảng và sống xứng đáng với vinh dự này.
Sau ngày thống nhất đất nước, CCB Nguyễn Chí Phong về công tác ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng rồi về hưu, hoạt động tích cực ở địa phương. Ông tham gia Hội CCB quận, đặc biệt có 22 năm làm tổ trưởng khu tập thể Trường ĐH Bách khoa rồi tổ dân phố số 10, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu cho đến hôm nay.
Giữa hai trận đánh ở hang Âm Phủ
Hơn 47 năm đã trôi qua, CCB Đặng Văn Lái (hiện trú 359 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn nhớ như in buổi lễ kết nạp Đảng tại hang Âm Phủ, núi Non Nước, ngay giữa trận chiến đấu ngày 24-12-1968.
CCB Đặng Văn Lái kể: “Đội quyết tử nhận nhiệm vụ đánh sân bay Nước Mặn đêm 23-12, theo quyết định của Bộ Tư lệnh Mặt trận 4. Đội có 5 người gồm: Phạm Công Thành, tiểu đội trưởng; Vũ Quốc Hùng, tiểu đội phó; Huỳnh Ri, xã đội phó Xã đội Hòa Hải; Huỳnh Hoàn, 12 tuổi, hoạt động hợp pháp và tôi, nguyên đại đội trưởng Đại đội Đặc công Quận đội 3 làm Đội trưởng. Nhưng rồi kế hoạch thay đổi, đêm đó, chúng tôi về trú quân ở hang Âm Phủ chờ phương án khác. Không ngờ, xảy ra tình huống mới”.
8 giờ ngày 24-12-1968, địch đánh hơi có quân ta ở trong hang liền tràn vào gần 100 tên. Anh em bình tĩnh nấp vào ngách hang và chờ đợi. Khi chúng lọt hẳn vào hang, nhất loạt lựu đạn của ta từ các điểm tối trong ngóc ngách vung tới. Địch ngã rạp, những tên sống sót ù té chạy ra ngoài, gọi cứu viện. Sau 30 phút, địch đổ bộ bằng cả đường bộ và cả đường không, trên có trực thăng, dưới có xe tăng. Lần này, đội đánh bằng phương án khác, tấn công ngay từ cửa hang bằng lựu đạn và súng máy thu được của địch. Cánh quân theo dây tử thần từ máy bay thả xuống thì rơi vào súng bắn tỉa của Vũ Quốc Hùng, không sót lấy một tên.
Đánh nhau đến 12 giờ trưa, quân địch đã rút hết ra khỏi hang, anh em vừa nhâm nhi thức ăn tổng hợp từ lính Mỹ, vừa bàn cách cho trận tiếp theo. Bất ngờ Vũ Quốc Hùng, chàng trai Hà Nội, mang dòng máu “cảm tử quân” của cha ông thời chống Pháp, đứng lên nói đầy tâm huyết: “Anh Lái và các anh ơi! Khi tiễn em vào Nam chiến đấu, bố em có nói một câu mà em còn đinh ninh mãi trong lòng đó là: “Không có Đảng thì gia đình ta không có được như ngày nay. Bố cầu mong con ra đi tiến bộ!”.
Vì thế, em chỉ có một nguyện ước là được đứng vào hàng ngũ Đảng, xứng đáng với lời dặn của bố. Em không sợ hy sinh mà chỉ sợ nguyện ước không thành. Em tha thiết đề nghị chi bộ xem xét cho em. Còn về gia đình, cha mẹ nay không còn, em đã có vợ và một con trai.
Nếu em hy sinh thì các anh ra Hà Nội tìm đến thăm và tin cho vợ con em biết rằng em đã xứng đáng với gia đình và đã trở thành đảng viên của Đảng…”. Anh em nghe rất xúc động, đặc biệt là Phó Bí thư Đặng Văn Lái, đảng viên chính thức Phạm Ngọc Thành và đảng viên dự bị Huỳnh Ri. Phó Bí thư chi bộ xem đây là lá đơn xin vào Đảng của Vũ Quốc Hùng và đã họp chi bộ để xem xét. Toàn chi bộ nhất trí kết nạp Hùng vào Đảng.
Lễ kết nạp được tiến hành ngay sau đó. Vách đá là phông màn, 5 khẩu AK dựng vào nhau trang nghiêm. Phó Bí thư Đặng Văn Lái tuyên bố: “Từ giờ phút này, Vũ Quốc Hùng, đội viên Đội quyết tử, quê quán Hà Nội, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh hoạt tại chi bộ Đội quyết tử. Đồng chí Vũ Quốc Hùng đã có nhiều cố gắng, lập công xuất sắc. Nay phải cố gắng lập công nhiều hơn!”. Vũ Quốc Hùng đứng lên tuyên thệ, nước mắt chảy dài: “Xin thề quyết tử đến cùng cho Tổ quốc quyết sinh”.
Vậy là lễ kết nạp đã xong. Anh em trong đội trở về vị trí chiến đấu và sau đó tiếp tục đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Kết quả, 5 anh em đã tiêu diệt 160 tên Mỹ-ngụy, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, phá hủy 2 xe tăng M113. Toàn đội được tặng Huân chương chiến công hạng nhất và đều được công nhận là dũng sĩ diệt Mỹ. Đặng Văn Lái, Phạm Ngọc Thành, Vũ Quốc Hùng được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì; Huỳnh Ri, Huỳnh Hoàn được tặng Huân chương chiến công hạng ba.
CCB Đặng Văn Lái xúc động: “Trong trận đánh ở hang Âm Phủ, Vũ Quốc Hùng không hy sinh, nhưng anh đã ngã xuống trong một trận đánh khác. Rất tiếc do chiến tranh, chúng tôi không kịp hỏi tỉ mỉ địa chỉ của Hùng ở Hà Nội để thăm viếng gia đình anh. Mỗi năm đến ngày thành lập Đảng, tôi cứ nhớ hoài buổi lễ kết nạp Đảng ở hang Âm Phủ, càng nhớ người chiến sĩ trinh sát năm nào”.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN