.

Tự hào được sinh ra năm 1975

.

Chào đời vào đúng năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thế hệ sinh năm 1975 không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để khẳng định mình.

 

Trong số những người may mắn được sinh ra thời khắc lịch sử của đất nước năm ấy, có người giờ đây là kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo... Báo Đà Nẵng giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3-1975 - 29-3-2015).

● Thầy Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

 

Sinh ra trong một gia đình có mẹ là giáo viên, từ nhỏ, thầy Nguyễn Đình Vĩnh đã có ý thức ham học. Năm 1997, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế loại giỏi, thầy Vĩnh nhận công tác tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner Đà Nẵng. Đến tháng 5-1999, thầy dự tuyển cao học, đậu cả hai Trường ĐH Huế và ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2002, thầy nhận bằng thạc sĩ tại ĐH Huế và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 2007, thầy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn. Thầy Vĩnh cho biết, thầy đang theo đuổi nghiên cứu văn học và quản lý giáo dục.

Năm 2010, thầy Vĩnh được điều động giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Cuối năm 2012, thầy được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, kiêm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đến nay, thầy vẫn giữ kỷ lục là hiệu trưởng trường THPT chuyên trẻ nhất nước.

Những năm qua, trên cương vị của mình, thầy Vĩnh rất ý thức kết nối các tổ chuyên môn của giáo viên và tổ nghiệp vụ của nhân viên; kết nối giữa phụ huynh, cựu giáo chức, cựu học sinh với nhà trường. Thầy cho rằng, chỉ trong sự kết nối tốt, mỗi thành tố mới có thể phát huy hết sức mạnh của mình. Nhờ đó, thành tích đỉnh cao của trường luôn được giữ vững và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong những điểm sáng của cả nước. Thầy Vĩnh cũng là hiệu trưởng đầu tiên ở thành phố triển khai việc dạy học thể dục theo phân môn tự chọn trong cả ba năm ở cấp THPT; lồng ghép học thể dục, ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp vào chung một buổi chiều, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và học sinh.

Trước thực tế ngày chủ nhật trẻ em thiếu sân chơi, thầy Vĩnh mong muốn thực hiện đề án Ngày chủ nhật kết nối, với ý tưởng các trường sẽ mở các cổng trường, thư viện, sân bãi để học sinh và trẻ vùng phụ cận được thỏa mái vui chơi, đọc sách, sinh hoạt…

● Thầy Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu

 

“Tôi được sinh ra tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 20-10-1975, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 6 tháng. Và may mắn hơn những bậc đàn anh đi trước, tôi được học tập, sinh sống trong môi trường hòa bình để có điều kiện phát huy năng lực, sở trường của mình”, thầy Lê Văn Nghĩa cho biết.

Năm 1998, khi 23 tuổi, thầy Nghĩa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận Liên Chiểu). Thầy cũng là người trẻ nhất trên địa bàn Đà Nẵng lúc bấy giờ được bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng. Năm 2005, thầy Nghĩa được chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu, tuổi 30 thành đạt của thành phố Đà Nẵng. Năm 2011, thầy Nghĩa được bổ nhiệm làm Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho đến nay.

Kế thừa thành quả của những người đi trước, trong những năm làm Trưởng phòng GD&ĐT, thầy Nghĩa tập trung xây dựng, phát triển mạng lưới trường chuẩn quốc gia ở các bậc học trên địa bàn quận Liên Chiểu để nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đó, trên địa bàn quận Liên Chiểu chỉ có 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức 1. Đến nay đã có 6/7 trường mầm non, 11/11 trường tiểu học, 1/7 trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức 1 và 2.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển mạng lưới trường học đạt chuẩn quốc gia, thầy Nghĩa đặc biệt chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước đối với các thế hệ học sinh, thông qua việc chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn xây dựng phòng truyền thống, trưng bày các hình ảnh, tư liệu lịch sử để học sinh tiếp cận.

“Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để mình có cuộc sống tươi đẹp hôm nay. May mắn được sinh vào năm đất nước hòa bình, độc lập nên mình phải không ngừng nỗ lực học tập, làm việc, đồng thời phải có trách nhiệm nhiều hơn với các thế hệ trẻ”, thầy Nghĩa tâm sự.

● Cô Bùi Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn, quận Thanh Khê

“Sau khi đất nước giải phóng được 4 tháng thì tôi chào đời tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ. Cùng với sự kiện đất nước độc lập, thống nhất, sự ra đời của tôi đã nhân đôi niềm vui cho gia đình”, cô Bùi Thị Bình nói về niềm tự hào khi đã được sinh ra đúng vào năm 1975.

Cô Bình cho biết, bố cô là bộ đội từ Bắc vào Nam chiến đấu thời kỳ chống Mỹ, rồi gặp mẹ cô là cô gái thanh niên xung phong ở vùng núi Quảng Ngãi. Sau đó, hai người bén duyên vợ chồng.

Dù gốc gác con nhà lính nhưng cô Bình yêu thích nghề nhà giáo. Năm 1993, cô thi đỗ ngành Sư phạm tiểu học - Trường CĐ Sư phạm Đà Nẵng. Năm 1996, ra trường, cô giảng dạy ở quận Thanh Khê và luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 9 năm trực tiếp đứng lớp, năm 2005, cô Bình được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám. Đến năm 2011, cô làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, rồi làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn từ tháng 11-2013 đến nay.

Với cương vị Hiệu trưởng trường tiểu học có quy mô lớn trên địa bàn quận Thanh Khê, cô Bình luôn nỗ lực cùng Hội đồng sư phạm xây dựng, phát triển trường ngày càng vững mạnh.

● Cô Nguyễn Thị Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoa Lư, quận Thanh Khê

Cô Bắc được sinh ra vào ngày ngày 6-2-1975, tức trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 3 tháng.

Ban đầu, cô tên là Nguyễn Thị Hà Bắc (cha mẹ đặt theo địa danh nơi cô sinh ra), sau đó điều chỉnh thành Nguyễn Thị Hoài Bắc và bây giờ chính thức là Nguyễn Thị Bắc. Tuy nhiên, mọi người biết đến cái tên Hà Bắc nhiều hơn. Bố cô là người Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó là sinh viên khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, rồi trở thành giảng viên ở trường này.

Cái duyên cô Bắc đến với nghề giáo, yêu nghề này bởi đây là nghề cha truyền con nối. Hơn nữa, lúc còn nhỏ, bố cô thường xuyên đi công tác, đem cái chữ đi khắp nơi trên mọi miền đất nước để chia sẻ với mọi người. Những lần như thế, bố đưa cô theo. Những lúc được theo chân bố đi công tác, cô rất thích thú vì thấy bố mình được mọi người kính trọng…

Khi trưởng thành, cô Bắc chọn nghề sư phạm. Năm 1996, ra trường, cô về làm Tổng phụ trách đội ở ngành GD&ĐT quận Liên Chiểu. Đến năm 2002, chồng cô là bộ đội Biên phòng được biệt phái đi Tây Nguyên, còn cô được điều động về Thanh Khê công tác để có điều kiện lo cho gia đình, giúp chồng yên tâm làm nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Chồng công tác xa, con còn nhỏ, bao khó khăn chồng chất nhưng cô Bắc vẫn vượt qua và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đến năm 2008, cô Bắc được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu Đoàn Thị Điểm và ngày 1-11-2014 được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoa Lư cho đến nay.

NGỌC ĐOAN ghi

;
.
.
.
.
.