Chính trị - Xã hội

Vì những con tàu xa khơi

08:41, 03/03/2015 (GMT+7)

“Chương trình vì những con tàu xa khơi” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, qua đó thôi thúc ý chí yêu nước, yêu biển đảo của ngư dân Việt Nam.

Trao tiền mua thiết bị cho ngư dân.
Trao tiền mua thiết bị cho ngư dân.

Đại tá Nguyễn Hải, Phó Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi chương trình được phát động đến các địa phương, BĐBP và Sở NN&PTNT thành phố tham mưu cho UBND thành phố, đồng thời chọn ra những ngư dân tích cực để có những hỗ trợ kịp thời. “Ở nhiều tỉnh, thành khác, số lượng ngư dân được hỗ trợ trong chương trình này khá nhiều.

Nhưng kết quả mỗi ngư dân chỉ được hỗ trợ vài ba triệu đồng, ngư dân đem tiền về thậm chí cũng không biết sẽ làm gì với số tiền ít ỏi đó. Do đó, mình đã hỗ trợ thì phải đến nơi đến chốn, có chất lượng. Trong đợt hỗ trợ đầu tiên, Đà Nẵng chỉ chọn ra 6 hộ ngư dân để trao”, Đại tá Nguyễn Hải cho biết. Theo đó, qua tham mưu UBND thành phố đã quyết định hỗ trợ hơn 120 triệu đồng để mua thiết bị tặng cho 6 ngư dân (quận Sơn Trà: 3 ngư dân; Thanh Khê: 3 ngư dân), chủ yếu là máy dò cá, ICOM, máy nhận dạng có trị giá từ 15 triệu - 23 triệu đồng/thiết bị.

Đầu năm 2015, BĐBP và Sở NN&PTNT thành phố tiến hành trao các thiết bị cho 6 chủ tàu gồm: ông Trương Văn Hay, Lê Dũng, Huỳnh Thị Phượng (quận Thanh Khê); Cao Minh Bình, Hồ Văn Hoang, Lê Thị Loại (quận Sơn Trà). Nhận được máy dò cá trị giá 16 triệu đồng, ngư dân Trương Văn Hay (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê - chủ tàu ĐNa 90235) phấn khởi cho biết, đây là món quà hết sức ý nghĩa đối với mình, bởi có thiết bị này, việc đánh bắt hải sản trên biển sẽ có nhiều thuận lợi. “Trước đây, chúng tôi đánh bắt hải sản trên khu vực Hoàng Sa chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế, nên hiệu quả nhiều chuyến không cao.

Nay có máy dò cá, kết hợp với kinh nghiệm thực tế, hy vọng những chuyến biển sẽ trúng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình”, ông Hay cho biết. Ngư dân Trương Văn Hay là một trong những ngư dân tích cực, đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đặc biệt, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, tàu ông Hay cũng bị các tàu Trung Quốc va đâm, gây hư hỏng.

Nhận được giá trị hỗ trợ nhiều hơn các chủ tàu khác là ngư dân Đỗ Văn Út (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà - chủ tàu cá ĐNa 90147) với máy nhận dạng hơn 23 triệu đồng. Gia đình ông Út có tàu công suất 420CV, làm nghề lưới rê hỗn hợp ở ngư trường Hoàng Sa. “Tôi rất vui khi được các anh Biên phòng chọn làm đại diện ngư dân của phường để hỗ trợ phương tiện. Đây là cơ hội, là động lực để chúng tôi vừa khai thác kinh tế biển, vừa góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Út chia sẻ…

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm qua, thành phố Đà Nẵng có khá nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Ngoài việc hỗ trợ theo Quyết định 7068 (nay là Quyết định 47) của UBND thành phố, có hàng trăm lượt tàu được hỗ trợ các máy móc thiết bị phục vụ khai thác hải sản, bảo hiểm…

Nay, có thêm chương trình “Vì những con tàu xa khơi” sẽ tạo niềm tin, động lực hơn nữa để ngư dân yên tâm bám biển. Thời gian đến, Sở NN&PTNT cùng với BĐBP sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với thành phố tiếp tục có những hỗ trợ như vậy để cho những con tàu “xa khơi” không thấy cô đơn, lẻ loi...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.