Chính trị - Xã hội

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Bài cuối: Phát triển đồng bộ

07:54, 31/03/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao (VHTT) cơ sở sẽ được phát triển đồng bộ.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở sẽ được phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở sẽ được phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Theo đó, 100% các trung tâm VHTT quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện; 80% phường, xã có thiết chế Trung tâm VHTT; 20% phường, xã còn lại có nhà văn hóa...

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đó không chỉ là câu chuyện của những con số, của sự đầy đủ về cơ sở vật chất. Sự đồng bộ cần đạt được từ bộ máy quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa cơ sở, đến cách thức hoạt động sao cho hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế của đại bộ phận người dân.

Còn nhiều nỗi lo

Bên cạnh niềm vui khi khu vui chơi giải trí (VCGT) trên địa bàn phường được đầu tư cải tạo, nâng cấp, ông Đặng Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) vẫn canh cánh nỗi lo về tính bền vững của công trình. Liệu khu VCGT này sau khi được chỉnh trang sẽ giữ được “tấm áo mới” trong bao lâu hay nhanh chóng rơi vào tình trạng xuống cấp, hoang phế khi không có người quản lý, bảo vệ?

Ông Tài cho hay, trước đây, theo chủ trương từ trên, phường giao cho Đoàn Thanh niên quản lý các khu VCGT trên địa bàn nhưng vì “thiếu cơ chế rõ ràng” nên thiết chế này cũng rơi vào tình trạng “bỏ không”. Lần này, thành phố giao phường quản lý, nhưng hiện tại phường “không có người nên chúng tôi rất lo”, ông Tài băn khoăn.

Nói về chủ trương xây dựng trung tâm VHTT xã, phường trên toàn thành phố, ông Tài cũng cho rằng, cần có cơ chế quản lý, vận hành rõ ràng, tránh tình trạng cán bộ làm kiêm nhiệm.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) nhìn nhận khu VCGT phường Xuân Hà vào loại công trình văn hóa có diện tích sử dụng rộng nhất thành phố, khi được đầu tư chuyển đổi công năng thành trung tâm VHTT phường với đầy đủ các hạng mục bên trong như: hội trường, sân khấu lộ thiên, sân bóng đá, nhà đọc sách, báo… chắc chắn sẽ đem lại diện mạo, luồng sinh khí mới cho hoạt động văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, vấn đề quản lý, vận hành sao cho bảo đảm tính bền vững, phát huy hiệu quả trong phục vụ đời sống tinh thần của người dân thực sự là chuyện không dễ dàng.

Tuân theo lộ trình sẵn

Đề cập vấn đề này, một lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho biết, sau cuộc tổng rà soát cơ sở vật chất cũng như thực trạng hoạt động của các thiết chế văn hóa trên khắp 7 quận, huyện hồi năm ngoái, mọi việc đang được lãnh đạo thành phố chỉ đạo với những bước đi rất cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tế. “Chúng ta cần thời gian và không nên nôn nóng”, vị lãnh đạo này nói.

Cùng bàn về vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong việc vận hành hệ thống thiết chế văn hóa. Ngoài ra, cần khuyến khích xã hội hóa trong xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để các thiết chế, khu vui chơi tư nhân hoạt động tốt trên địa bàn.

Tuy nhiên, “phải có cơ chế quản lý, tránh hiện tượng các cá nhân, đơn vị chạy theo lợi nhuận mà xa rời mục đích phục vụ nhân dân”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An nhìn nhận.

Về vấn đề kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý tại các thiết chế văn hóa cơ sở, Sở VH-TT&DL đề nghị Chủ tịch UBND các phường, xã rà soát củng cố tổ chức, bộ máy đối với đội ngũ cán bộ nhà văn hóa; cử một cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội kiêm nhiệm chức danh chủ nhiệm nhà văn hóa/trung tâm văn hóa-thể thao (VHTT) và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường, xã về toàn bộ hoạt động của nhà văn hóa/trung tâm VHTT; bố trí một cán bộ Đoàn vào Ban chủ nhiệm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em và thanh-thiếu niên tại Trung tâm VHTT phường, xã.

Các phường, xã cần rà soát bố trí lại cán bộ không chuyên trách đúng với chức danh “người phụ trách công tác VHTT, quản lý nhà văn hóa”, với mức phụ cấp cụ thể để bảo đảm việc vận hành, quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả ở thiết chế văn hóa phường, xã. Khuyến khích các nhà văn hóa/trung tâm VHTT tổ chức hoạt động xã hội hóa để chi hỗ trợ lương cho cán bộ theo dõi, quản lý và tổ chức hoạt động.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức hoạt động cho cán bộ cơ sở, Sở VH-TT&DL cũng đề nghị các quận, huyện căn cứ nhu cầu của địa phương về đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo. Sở VH-TT&DL thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ VHTT cơ sở.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

.