Chính trị - Xã hội
Bốn mươi năm Bắc Nam sum họp một nhà
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở thành một thời khắc không thể nào quên bởi đã ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta sau gần ba mươi năm chiến tranh: đất nước từ nay đã được thống nhất - non sông liền một dải, đồng bào hai miền Nam Bắc từ nay đã được đoàn tụ - cha con chồng vợ trùng phùng, đúng như niềm tin son sắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: MINH TRÍ |
Thuở còn ngày Bắc đêm Nam, có lần nhà thơ Tế Hanh thác lời con sông Hiền Lương để nói lên một sự thực lịch sử: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu (Nói chuyện với sông Hiền Lương - 1959). Hai câu thơ Tế Hanh cực tả khát vọng của người Việt đương thời, từ xa xưa và mãi mãi: Thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà.
Chính vì thế, ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở thành một thời khắc không thể nào quên bởi đã ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta sau gần ba mươi năm chiến tranh: đất nước từ nay đã được thống nhất- non sông liền một dải, đồng bào hai miền Nam Bắc từ nay đã được đoàn tụ - cha con chồng vợ trùng phùng, đúng như niềm tin son sắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Dinh Độc Lập - nơi người lính xe tăng Bùi Quang Thận treo lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng là nơi Đoàn đại biểu miền Bắc và Đoàn đại biểu miền Nam tiến hành Hội nghị Hiệp thương chính trị từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975 để bàn về vấn đề thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước - sau này được đổi tên thành Dinh Thống Nhất.
Bắc Nam sum họp một nhà, nhu cầu đi lại/giao thương giữa hai miền của Tổ quốc thống nhất tăng lên đáng kể, chính vì thế việc khôi phục hệ thống đường sắt sau chiến tranh được xem là nhiệm vụ hết sức cấp bách, và đúng vào ngày 13 tháng 12 năm 1976, tuyến đường sắt Bắc Nam - cũng còn được gọi là tuyến đường sắt Thống Nhất - chính thức được khánh thành, với sự kiện chuyến hàng từ thành phố Hồ Chí Minh đã ra đến Thủ đô Hà Nội và ngược lại chuyến tàu chở Apatit phục vụ nông nghiệp từ Lào Cai cũng đã lên đường vào tới thành phố mang tên Bác.
Về đường bộ, sau bốn mươi năm non sông liền một dải, con đường huyết mạch là quốc lộ 1A từ chỗ cách trở đò giang đèo núi bây giờ hầu như trở nên thông suốt từ Nam Quan cho đến Cà Mau. Những bến phà/bến bắc một thời như bến phà Bến Thủy, bến phà Gianh, bến phà Quán Hàu, bến bắc Mỹ Thuận, bến bắc Cần Thơ và cuối cùng là bến phà Đồng Cùng… đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử và được thay thế bằng những cây cầu.
Các con đèo ngoạn mục vẫn còn hấp dẫn nhiều du khách thích cảm giác mạnh, nhưng giao thông ra Bắc vào Nam giờ đây chủ yếu là qua các hầm đường bộ như hầm đường bộ Hải Vân dài nhất Đông Nam Á và hầm đường bộ Đèo Ngang đã hoàn thành, sắp đến đây là hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Phú Gia, hầm đường bộ Phước Tượng và trong tương lai không xa sẽ là hầm đường bộ Cù Mông.
Ngoài ra nối liền hai miền Nam - Bắc ngày nay, còn có đường cao tốc Bắc-Nam chạy gần như song song với quốc lộ 1A nối Hà Nội và Cần Thơ dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020, còn có đường Hồ Chí Minh chạy qua vùng núi phía tây của nước ta nối Pắc Bó-Cao Bằng và Đất Mũi-Cà Mau cũng dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020…
Về đường hàng không, ngay sau ngày đất nước thống nhất đã có nhiều chuyến bay nối liền Hà Nội-Sài Gòn và ngược lại - chủ yếu là các chuyên cơ và máy bay quân sự. Trải qua bốn mươi năm, giờ đây đã mở được những đường bay dân dụng từ Hà Nội không chỉ vào đến thành phố Hồ Chí Minh mà còn Nam tiến tận Cần Thơ, Rạch Giá, Côn Đảo, Phú Quốc…; đồng thời là những đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh không chỉ ra đến Hà Nội mà còn mở rộng tới cả Hải Phòng, Điện Biên Phủ…
Còn về đường hàng hải nối liền hai miền Nam Bắc vừa sum họp một nhà, không thể không kể đến con tàu mang tên Sông Hương xuất phát từ cảng Hòn Gai chiều ngày mồng 10 tháng 5 năm 1975, ngày 11 tháng 5 vượt qua bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, chiều 12 tháng 5 đến Vũng Tàu và đến sáng 13 tháng 5 đã cập bến Nhà Rồng, đưa 541 người con miền Nam trở về quê hương sau hơn hai mươi năm chuyển quân tập kết ra miền Bắc. Từ cuối năm 2007 đến nay đã mở được tuyến đường cao tốc Bắc-Nam trên biển chở khách và hàng hóa, xuất phát từ Cảng Hòn Gai đến Cảng Nhà Rồng sau khoảng 48 giờ chạy tàu - trên đường đi tàu sẽ ghé qua Cảng Chân Mây và dừng ở đây để du khách có thể tham quan Cố đô Huế và phố cổ Hội An.
Giao thông Bắc Nam sau bốn mươi năm đất nước thống nhất chưa phải đã hoàn hảo, thậm chí đương còn rất nhiều việc phải làm nhưng rõ ràng đã góp phần nối vòng tay lớn (chữ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) giữa mấy mươi triệu đồng bào cùng đi chung trên một dòng lịch sử. Giao thông Bắc Nam không chỉ là huyết mạch để phát triển kinh tế đất nước mà còn chủ yếu là kết nối lòng người bên này và bên kia cầu Bến Hải năm xưa. Chính trên các tuyến đường thủy, đường hàng không, đường sắt và đường bộ ngày đêm sôi động suốt bốn chục năm qua mà hàng chục vạn gia đình Việt Nam kẻ Bắc người Nam/kẻ Nam người Bắc trong những năm tháng chiến tranh nay đã đoàn tụ trùng phùng.
Đấy là chưa kể hàng chục vạn gia đình chồng Bắc vợ Nam và ngược lại - trong đó có người viết bài này - mới gầy dựng hạnh phúc sau ngày đất nước thống nhất. Đấy là chưa kể hàng chục vạn gia đình tiếp tục rời quê hương bản quán để vào Nam ra Bắc nhằm chuyển cư lập nghiệp ở các vùng đất xa mà không lạ - chẳng hạn như ở Lâm Đồng có hẳn một huyện mang tên Lâm Hà là quê hương thứ hai của những người gốc Hà Nội sau chiến tranh… Đấy là chưa kể với chủ trương tuyển sinh ba chung, ngày nay không ít cô tú cậu tú học phổ thông ở các tỉnh phía Nam lại ra ngồi trên giảng đường đại học của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, và ngược lại…
Có thể nói, sau sự kiện lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, khát vọng thống nhất giang sơn, Bắc Nam sum họp một nhà thiêng liêng và cháy bỏng của người Việt đã đạt được rất đáng kể so với những khát vọng khác cũng cháy bỏng và thiêng liêng không kém, như là khát vọng hòa bình để có được những ngày thực sự bình yên sau ba mươi năm chiến tranh, bởi chỉ mấy năm sau sự kiện lịch sử trọng đại ấy, người Việt phải chịu cảnh lụt Bắc lụt Nam máu đầm biên giới/ tay chống trời tay giữ nước căng gân (thơ Tố Hữu) và đau đớn hơn hàng ngàn người Việt lại tiếp tục đổ máu hy sinh vì Tổ quốc trên những cánh rừng biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Trung Quốc và trong cả cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa năm 1988; hoặc như là khát vọng về toàn vẹn lãnh thổ, bởi đã hơn bốn chục năm rồi Hoàng Sa vẫn còn nằm trong tay Trung Quốc - chính vì thế mà chưa thể gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, và bởi gần ba chục năm rồi một số đảo ở Trường Sa cũng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đang manh tâm xây dựng ở đó những Vạn Lý trường thành bằng cát...
BÙI VĂN TIẾNG