Chính trị - Xã hội

Chính phủ thống nhất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

07:31, 02/04/2015 (GMT+7)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2015 diễn ra ngày 1-4, Chính phủ thống nhất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), theo đó kiến nghị Quốc hội sửa theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH 1 lần.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60 Luật BHXH 2014, trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH 1 lần như Luật hiện hành. Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị việc sửa đổi Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014.

Tăng trưởng cao trong quý I

Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2015. các thành viên Chính phủ đưa ra nhiều đánh giá, nhận định, dự báo tình hình; cho rằng kinh tế thế giới mặc dù còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng xu thế chung là tiếp tục phục hồi, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nước ta.

Trong nước, những yếu tố cơ bản như: kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt cao ngay trong quý I (ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2011 trở lại đây); lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu điều hành; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện…

Khẳng định các mặt hàng nông sản có tỷ trọng và vị trí khá quan trọng trong cơ cấu GDP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp đang quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là hỗ trợ trong tiếp cận tín dụng, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu đối với nông sản, đặc biệt là đối với xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông nghiệp chủ lực.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bên cạnh mở rộng thị trường, Bộ đang chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tốt hơn các thị trường hiện có; tập trung tháo gỡ các rào cản về thị trường; chủ động tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đi liền với các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu, các biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, gắn liền với thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu cũng sẽ được tập trung tăng cường.

Tăng trưởng GDP trong quý 1 là con số thực

Chủ trì buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 1-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, GDP quý 1 tăng trưởng 6,03%, con số này đã được rà soát kỹ và đây là con số thực, trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế.

Theo Bộ trưởng, đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây và việc tăng chủ yếu là do tăng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sắp xếp, quản lý báo chí

Liên quan lĩnh vực thông tin, an ninh thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, bên cạnh tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính cũng cần dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng và đây cũng là công tác được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai chỉ đạo của Trung ương về quy hoạch báo chí, bảo đảm cho báo chí phát triển ngày càng hiệu quả, phải tinh và chất lượng, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương… phải gương mẫu, triển khai thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, quản lý báo chí theo đúng tinh thần chỉ đạo; trong triển khai thực hiện phải đặc biệt chú ý đến việc làm tốt công tác tư tưởng cũng như bảo đảm việc làm cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động ở các cơ quan báo chí được sắp xếp.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm đã nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương trong triển khai các nghị quyết của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết bằng các chương trình, hành động cụ thể. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn dân, bức tranh chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. “Những kết quả đạt được là tích cực, tình hình sáng sủa, nhưng không được chủ quan; nhiệm vụ phía trước còn rất khó khăn, rất nặng nề”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô; không được chủ quan lơ là, muốn phát triển ổn định trước hết phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có cả tỷ giá, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, cân đối thu chi ngân sách, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Theo đó, phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, cho phát triển du lịch, dịch vụ...; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đà tăng trưởng, phát triển đang mạnh của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; dồn sức tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, cho mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các Bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới.

Chưa tịch thu phương tiện đối với tài xế say xỉn

Tại buổi họp báo chiều 1-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện với người điều khiển ô-tô, xe máy, xe đạp điện sử dụng rượu, bia.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất tịch thu phương tiện trên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Cụ thể, ngành giao thông cho rằng, đề xuất trên có cơ sở pháp lý, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp 2013 và được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên.

TTXVN

.