Chính trị - Xã hội

Giám sát cán bộ, công chức phường, xã

08:58, 17/04/2015 (GMT+7)

Giám sát cán bộ, công chức (CBCC) là một nội dung quan trọng trong công tác tham gia xây dựng, củng cố chính quyền của MTTQ Việt Nam.

Năm 2013 và năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chọn quận Liên Chiểu và 7 đơn vị phường, xã triển khai thí điểm công tác giám sát CBCC phường, xã.

Trong quá trình giám sát, Mặt trận và Thanh tra nhân dân đã tập trung giám sát việc CBCC đảm nhiệm các chức vụ, vị trí dễ phát sinh tiêu cực như: địa chính nhà đất, tài nguyên - môi trường, cấp phép kinh doanh hộ cá thể, thu thuế; bộ phận thực hiện chi trả chế độ bảo trợ xã hội, chế độ chính sách; cán bộ thu, chi các loại quỹ, thuế, phí, lệ phí; chứng thực nhận hồ sơ tài liệu, văn bằng chứng chỉ; lập thủ tục thẩm định các hồ sơ công dân vay vốn; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Công tác giám sát chú trọng nội dung nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công sở, phục vụ nhân dân theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Qua hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp đã phát hiện 3 cán bộ có khuyết điểm trong thi hành công vụ (1 cán bộ vi phạm đạo đức công vụ về lĩnh vực đất đai đã bị đình chỉ công tác; 1 cán bộ vi phạm trong việc ủy nhiệm thu đã kiểm điểm trách nhiệm; xử lý 1 cán bộ vi phạm quy định về cấp bản sao, chứng thực).

Tại khu dân cư, Mặt trận đã phát hiện 14 trường hợp cán bộ chưa gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân (6 cán bộ không tham dự họp tổ dân phố, 4 cán bộ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú, 2 cán bộ quy tắc phường xây nhà trái phép, 1 cán bộ vi phạm hành chính và 1 cán bộ vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình). Tất cả các trường hợp này đều được Mặt trận kiến nghị với cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Có thể nói rằng, chủ trương giám sát CBCC phường, xã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, sự thống nhất cao về nhận thức cũng như hành động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực tế cho thấy, nơi nào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội phát huy tính chủ động thì hiệu quả giám sát rõ nét.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu, công tác giám sát CBCC đạt hiệu quả từ sự vào cuộc thực sự của các Ban công tác Mặt trận, các thành viên Thanh tra nhân dân và hơn hết là sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Bên cạnh đó có sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, nên hoạt động này thời gian qua đem lại hiệu quả đáng khích lệ.

Tuy vậy, kết quả giám sát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận. Trình độ năng lực giám sát của cán bộ Mặt trận cơ sở, nhất là việc am hiểu các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, tài chính… còn hạn chế. Một số phường, xã lần đầu thực hiện hoạt động giám sát CBCC còn lúng túng.

Tại một số địa phương, các cơ quan có trách nhiệm vẫn còn xem nhẹ chức năng giám sát của Mặt trận, có nơi công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng chưa thật sự quyết liệt. Công tác phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền chưa tốt dẫn đến kết quả hạn chế. Một số cán bộ Mặt trận còn e dè, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý, kiến nghị khi phát hiện sai phạm, nhất là đối với CBCC giữ các vị trí lãnh đạo.

Để công tác giám sát CBCC trong thời gian đến đạt kết quả tốt hơn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân. Cần làm cho xã hội nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ và bản chất hoạt động giám sát mang tính nhân dân của Mặt trận, qua đó phát huy dân chủ, vận động nhân dân cùng tham gia hoạt động giám sát CBCC của Mặt trận.

TRƯƠNG THÁI THỤC

.