Chính trị - Xã hội
Biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Với người Việt, từ lâu, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc.
Hàng triệu lượt người hành hương về đất tổ vào dịp 10-3 (âm lịch) hằng năm (ảnh do Báo Phú Thọ cung cấp). |
Lễ hội đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống văn hóa cao đẹp, là động lực tinh thần lớn lao góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua nhiều thế hệ.
Kết tinh những nét đẹp truyền thống
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Phó ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 cho biết: “Các hoạt động của lễ hội trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì và các xã phường vùng ven Đền Hùng, các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
Cùng với ý nghĩa tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay còn khẳng định những nỗ lực của địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương Đất Tổ, tôn vinh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản hát xoan Phú Thọ đang đề nghị ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp”.
Để bảo đảm tính uy nghiêm, trang trọng của ngày quốc giỗ, năm nay, phần lễ vẫn được thực hiện đúng khuôn mẫu truyền thống với các lễ chính: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (vào sáng 6-3 âm lịch) và Lễ chính Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức bắt đầu lúc 7 giờ ngày 10-3 âm lịch. Trong khi đó, phần hội diễn ra trong gần 1 tuần sẽ có nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, du lịch phong phú.
Điểm nhấn của phần hội là lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn về Đền Hùng; triển lãm ảnh; tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống; hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy; hội trại văn hóa; các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh tham gia tổ chức giỗ Tổ; liên hoan dân ca và hát xoan Phú Thọ; các hoạt động thể thao và hội chợ du lịch Tây Bắc…
Theo Ban Tổ chức, vài năm trở lại đây, nhờ việc chủ động các phương án bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội; bố trí kế hoạch tổ chức phân luồng giao thông; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, xử lý các đối tượng vi phạm; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền trực quan… Vì vậy, dù mỗi dịp lễ hội, di tích lịch sử đền Hùng đón hàng triệu lượt người hành hương, lễ hội vẫn diễn ra thành kính, trang nghiêm, đúng ý nghĩa tôn vinh những giá trị truyền thống.
Tri ân công đức tổ tiên
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan thời đại Hùng Vương. Những năm gần đây, đền thờ Hùng Vương còn liên tục được khánh thành, trùng tu ở nhiều nơi như Cà Mau, Gia Lai, Lâm Ðồng... Vào ngày Giỗ Tổ hằng năm, tại các địa phương, chính quyền và nhân dân đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương, tưởng niệm công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc bằng nhiều cách thức khác nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, trên thế giới, các hình tượng được cả dân tộc thờ phụng không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, hiện tượng cả dân tộc cùng lưu truyền suốt hàng nghìn năm câu chuyện về vị vua đầu tiên đã lập nên Nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, trải qua 18 đời cha truyền con nối... thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” chưa từng có ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào.
Được biết, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện cách đây hơn 2.000 năm. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, ngay khi mới lên ngôi, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Ngày 23-8-2001, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) ban hành Quyết định số 39/2001/QÐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ - ngày Quốc Giỗ được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng (Khu di tích lịch sử Ðền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ). Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ, tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, người dân có truyền thống làm lễ Giỗ Tổ bằng nhiều hình thức, quy mô khác nhau trước, trong và sau ngày diễn ra đại lễ như: Lễ hội đình làng Hải Châu, lễ hội Cơ-tu… Truyền thống thờ vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ cúng tổ tiên từ lâu đời ở mỗi gia đình Việt Nam, cho nên Ngày Giỗ Tổ cũng là dịp để con cháu, các tộc họ ở Đà Nẵng làm lễ giỗ chạp, tu bổ lăng mộ ông bà, tổ tông, sum họp gia đình… |
THANH TÂN