Chính trị - Xã hội

Sứ mệnh đột phá

14:40, 27/04/2015 (GMT+7)

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hạ tầng giao thông của Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng trước đây được đánh giá trong tình trạng “cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng xập xệ”.

Cầu Trần Thị Lý lung linh khi thành phố lên đèn.
Cầu Trần Thị Lý lung linh khi thành phố lên đèn.

Ở thời điểm đó, hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng có đủ đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không, nhưng đều trong tình trạng vừa thiếu và trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Sau 40 năm bắt tay xây dựng, đặc biệt là cú bứt phá ngoạn mục sau gần 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hạ tầng giao thông Đà Nẵng đã có sự lột xác thần kỳ, góp phần đáng kể tạo nên diện mạo một thành phố văn minh, hiện đại như ngày nay.

Thành phố của những cây cầu độc đáo

Nhiều người vẫn nói  rằng, đến Đà Nẵng muốn biết thành phố này phát triển thế nào thì hãy ra bờ sông Hàn ngắm những chiếc cầu. Trên dòng sông Hàn thơ mộng là một “bộ sưu tập” những cây cầu thuộc diện “độc nhất vô nhị” trên cả nước. Được xem là cột mốc đầu tiên của tư duy đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và cầu nói riêng, đó là cầu quay Sông Hàn. Với thiết kế độc đáo là cầu có thể quay để tàu trọng tải lớn qua lại với nhịp cầu quay có khẩu độ lớn nhất Đông Nam Á.

Đây không những là một cây cầu được ví von là “công trình mở đường” của tư duy đột phá của lãnh đạo thành phố, là khả năng thi công và làm chủ công nghệ  phức tạp của đội ngũ những người làm cầu thành phố mà còn là ghi nhận sự chung tay, đồng lòng của người dân trong công cuộc chỉnh trang đô thị với quy mô lớn; là hướng đột phá mở rộng đô thị về phía bờ đông sông Hàn.

Tiếp nối thành công này, liên tiếp những năm sau đó, thành phố Đà Nẵng cho ra đời khá nhiều cây cầu độc đáo bắc qua sông Hàn, khiến du khách khắp nơi thán phục mỗi khi được tận mắt chiêm ngưỡng. Đó là cầu Thuận Phước, cây cầu dây võng lớn nhất nước, mỗi khi thành phố lên đèn cầu bừng sáng và đã được ví von như là “vương miện hoa hậu” của thành phố Đà Nẵng đẹp lung linh về đêm. Là cầu Rồng với giải pháp thiết kế độc đáo nhất, đèn mỹ thuật tạo hiệu ứng tốt nhất...

Nằm bên cạnh cầu Rồng là cầu Trần Thị Lý “sở hữu” tháp nghiêng độc đáo cùng hệ thống dây văng tạo hình cánh buồm căng gió hướng ra Biển Đông. Mỗi khi thành phố lên đèn, bộ tứ cây cầu độc đáo này trên sông Hàn thực sự tạo nên sự lung linh huyền ảo, níu kéo bao bước chân du khách khi đến Đà Nẵng. Chưa dừng ở đó, mới đây, trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố, Đà Nẵng lại giới thiệu thêm với du khách cây cầu vượt 3 tầng quy mô lớn  nhất Việt Nam - cầu vượt ngã ba Huế.

Những cung đường mang sứ mệnh khai phá và kết nối

Nếu như cầu Sông Hàn là cột mốc đáng nhớ trong xây dựng cầu ở Đà Nẵng, thì con đường Điện Biên Phủ cũng có ý nghĩa tương tự trong việc xây dựng những con đường rộng, thoáng cho thành phố. Mặc dù được xem là con đường “xương sống” theo trục Đông-Tây, thế nhưng đường Điện Biên Phủ lại rất nhỏ và xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Năm 1985, lần đầu tiên thành phố mở rộng tuyến đường này lên 4 làn xe, thế nhưng để đáp ứng sự phát triển của thành phố, đến nay con đường này đã thêm 2 lần nâng cấp mở rộng. Và ngày nay, đường Điện Biên Phủ là minh chứng cho sự đồng thuận của người dân, chấp nhận sự xáo trộn cuộc sống, công việc làm ăn để xây dựng thành phố ngày một khang trang, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, hệ thống đường bộ của thành phố thực sự bước vào giai đoạn thay đổi ngoạn mục nhất là thời điểm hàng loạt tuyến đường đẹp, hiện đại hình thành nên những trục đường chính quan trọng như đường Nguyễn Văn Linh-Võ Văn Kiệt (trục Đông-Tây), đường Hàm Nghi-Lê Đình Lý (trục Tây-Bắc), đường Trường Sa-Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành (tuyến đường ven  biển)...

Cùng với các trục đường được xây dựng mới và nâng cấp ở khu vực trung tâm như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo..., các tuyến đường đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị Đà Nẵng theo hướng hiện đại. Đặc biệt, thành phố cũng chú trọng bảo đảm hạ tầng giao thông có tính lan tỏa và kết nối giữa các khu vực, đó là tuyến đường vành đai phía Nam vừa được hoàn thành trong năm 2014; tuyến đường Hoàng Văn Thái-Bà Nà khánh thành trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ chỗ “vốn liếng” sau ngày giải phóng là  khoảng 200km đường nội thị và 100km đường giao thông nông thôn, hầu hết trong tình trạng xuống cấp và thiếu đồng bộ, đến nay Đà Nẵng đã có gần 1.000 con đường có tên và gần 400km đường giao thông nông thôn đã được bê-tông hóa, cùng gần 40 cây cầu lớn, nhỏ “phủ sóng” hết các khu vực, bảo đảm lưu thông thông suốt từ trung tâm thành phố đến những vùng nông thôn, miền núi. Có thể nói, ngành giao thông thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiên phong đưa “hạ tầng giao thông đi trước một bước”, trở thành đòn bẩy cho thành phố phát triển trong suốt thời gian qua.

3 giai đoạn chính xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông thành phố trong 40 năm qua

Giai đoạn I: 1975-1985, đây là giai đoạn ưu tiên cho công tác khôi phục hạ tầng giao thông đã bị xuống cấp và bị phá hủy bởi chiến tranh. Chỉ trong 3 năm (1977-1979) cơ bản khắc phục xong hệ thống giao thông bị hư hỏng, đồng thời mở rộng và làm mới một số tuyến đường lên vùng cao của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, từ Đà Nẵng đi các huyện Phước Sơn, Hiên, Giằng...

Giai đoạn II: 1986-1996, bước đầu bắt tay thực hiện chủ trương “hạ tầng giao thông đi trước một bước”. Ngành giao thông tập trung xây dựng các tuyến đường từ thành phố Đà Nẵng về trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh; nạo vét khơi thông các tuyến đường thủy, từng bước nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường nội thành.

Giai đoạn III: 1997 đến nay là thời kỳ tăng tốc những công trình xây dựng. Với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, thành phố đã bắt tay xây dựng những công trình giao thông lớn, hiện đại, bảo đảm tính thẩm mỹ; đặc biệt mang tính đón đầu, là đòn bẩy cho kinh tế-xã hội phát triển. Giai đoạn này, mỗi năm thành phố khởi công khoảng 40 công trình giao thông, đẩy mạnh công tác quy hoạch, di dời, giải tỏa các khu dân cư để xây dựng hạ tầng giao thông và các khu dân cư hiện đại hơn. Rất nhiều công trình có dấu ấn đặc biệt được xây dựng trong giai đoạn này như cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý...; đường Nguyễn Văn Linh, Hoàng Sa, Trường Sa,  Nguyễn Tất Thành, Võ Văn Kiệt...

Những năm qua, Cảng Đà Nẵng đã và đang được tiếp tục được đầu tư mở rộng và nâng cấp, nhờ vậy sản lượng hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng. Trong năm 2014, lần đầu tiên lượng hàng hóa thông qua cảng đã chạm ngưỡng 6 triệu tấn.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng sau khi được nâng cấp có khả năng tiếp đón 6 triệu lượt hành khách/năm, đã trở thành một trong 3 sân bay lớn nhất cả nước; trong năm 2014, đã tiếp đón trên 4,5 triệu lượt hành khách.

Ga Đà Nẵng đã được nâng cấp hơn 10 năm nay, đủ năng lực tiếp đón 30-40 lượt tàu mỗi ngày.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

.