Chính trị - Xã hội

Để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần

08:50, 19/05/2015 (GMT+7)

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, trong những năm qua, cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, Đảng bộ phường Thanh Khê Đông rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, từng bước đưa văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội.

Lễ hội Cầu Ngư hằng năm là nét văn hóa tín ngưỡng được phường Thanh Khê Đông duy trì nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Lễ hội Cầu Ngư hằng năm là nét văn hóa tín ngưỡng được phường Thanh Khê Đông duy trì nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Trên địa bàn phường có di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu lưu niệm Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê, Nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ và các di tích văn hóa tín ngưỡng từ thế kỷ 17, 18 như: Đình làng Thanh Khê, Nhà thờ Tiền hiền làng Thanh Khê, Lăng Ông làng Thanh Khê, Nhà thờ tập linh làng Thanh Khê, miếu Tam Vị, đình làng Xuân Hòa và các lễ hội dân gian còn duy trì đến hôm nay. Tiêu biểu nhất là lễ hội cầu ngư, lễ hội đình làng Thanh Khê được tổ chức vào tháng giêng hằng năm.

Những di tích văn hóa này được gìn giữ, tôn tạo, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Năm 2013, phường tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 45 năm Chiến công của Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và 7 dũng sĩ Thanh Khê.

Năm 2014, UBND phường cùng các vị bô lão trong Ban nghi lễ làng Thanh Khê tổ chức biên dịch, khảo luận các sử liệu bằng chữ Nôm còn lưu giữ tại các di tích nói trên và in thành sách có tựa đề “Các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng làng Thanh Khê”.

Văn bản sử liệu bằng tiếng Việt này góp phần tuyên truyền cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu được lịch sử hình thành địa danh làng Thanh Khê cũng như lịch sử mở mang bờ cõi, lập làng của cha ông xưa. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, các lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cán bộ và nhân dân trong phường.

Song song với hoạt động bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị thành những tiêu chí, những việc làm cụ thể, thiết thực, triển khai sâu rộng trong các khu dân cư, cơ quan, trường học nhằm đưa nội dung cuộc vận động đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Trong đó, tập trung xây dựng, hình thành nếp sống văn hóa trong ứng xử, giao tiếp, sống có nghĩa có tình, lấy truyền thống dòng họ, gia đình để khuyên răn, dạy dỗ con cháu. Chủ trương của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường là không chạy theo thành tích, việc bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa phải đúng thực chất. Ông Phạm Đức Tiềng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Thanh Tân 1 cho biết: Trên cơ sở các hộ đã đăng ký thực hiện 3 nội dung, 11 tiêu chí gia đình văn hóa (GĐVH), cuối năm các hộ tự chấm điểm.

Sau đó, Ban Công tác Mặt trận và từng tổ dân phố (TDP) họp bình xét một cách dân chủ. Có hộ được giữ nguyên điểm tự chấm nhưng cũng có hộ bị trừ điểm vì có vi phạm được nhân dân nêu ra ngay tại cuộc họp bình xét. Do đó, chất lượng GĐVH ngày càng cao, thực chất hơn; ý thức phấn đấu của các hộ dân để đạt được GĐVH cũng cao hơn.

Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phường luôn chú trọng việc nâng cao trình độ dân trí và các điều kiện bỗ trợ như các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt ở các khu dân cư.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, các hoạt động khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng trong các khu dân cư, các dòng tộc, đem lại hiệu quả rõ rệt. Kết cấu hạ tầng điện, đường, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu văn hóa thể thao phát triển. Hiện nay trên địa bàn phường có 6 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 khu văn hóa thể thao được xây dựng theo phương thức xã hội hóa, hệ thống hạ tầng ở khu dân cư cơ bản hoàn thành.

Đời sống văn hóa tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Các loại hình sinh hoạt văn hóa thể thao được hình thành như: Câu lạc bộ thơ “Cây đa làng”, Câu lạc bộ dưỡng sinh, Câu lạc bộ thể thao, Giải bóng đá mi-ni tranh Cúp Thanh Khê Đông được tổ chức hằng năm..., thu hút đông đảo người dân trong và ngoài phường tham gia.

Nổi bật là Câu lạc bộ thơ “Cây đa làng”, từ chỗ là một bộ môn thơ với 7 hội viên đến nay đã trở thành Câu lạc bộ thơ có 35 hội viên. Hằng năm, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thơ vào Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng giêng âm lịch) thu hút đông đảo người dân tham gia; câu lạc bộ đã xuất bản 10 tập thơ, được Hội Nhà văn thành phố đánh giá cao.

Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện “Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015”, phường đã thành lập Ban chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đến nay, trên địa bàn phường đã giảm thiểu đáng kể tình trạng quảng cáo, rao vặt, phát tờ rơi sai quy định gây mất mỹ quan đô thị; 100% mái che di động trên các tuyến đường Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập, Nguyễn Đức Trung, Trần Cao Vân đã được tháo dỡ.

Với quan điểm, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, con người là nhân tố quan trọng, đóng vai trò quyết định, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ phường Thanh Khê Đông, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu là: “Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng con người Thanh Khê Đông giàu lòng yêu nước, có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, văn minh, tiến bộ, có trách nhiệm với xã hội”.

SƠN TRUNG

.