Chính trị - Xã hội
Cầu truyền hình đặc biệt 'Hoài bão Hồ Chí Minh'
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 18-5, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp thực hiện Cầu truyền hình đặc biệt mang tên "Hoài bão Hồ Chí Minh".
Cầu truyền hình được thực hiện tại 2 điểm cầu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Quảng trường Ba Đình, Hà Nội), làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An).
Các tiết mục văn nghệ tại chương trình. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Đến dự Cầu truyền hình tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Cầu truyền hình đặc biệt này đã nêu bật những hoài bão lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuất phát từ tình yêu quê hương tha thiết và ý chí nghị lực phi thường, Người đã bôn ba khắp thế giới tìm con đường đi cho cả một dân tộc thoát cảnh đói nghèo, nô lệ. Người đã lãnh đạo Đảng và toàn dân Việt Nam vượt qua hai cuộc kháng chiến, bảo vệ nền độc lập tự do, thống nhất.
Các đại biểu giao lưu tại chương trình. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Đặc biệt, Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” đã đi sâu phản ánh chặng đường bôn ba ở hải ngoại để kiếm tìm con đường đi cho dân tộc và một giai đoạn vô cùng quan trọng nhưng ít được nhắc tới trong hành trình tìm đường cứu nước của Người tại nước Anh. Ở đây, dưới tầng hầm mùa đông buốt giá, mùa hè lại nóng như nung, Bác đã tiếp xúc với những tư tưởng dân chủ và đúc rút các trải nghiệm của mình trong hành trình tìm hiểu nền văn minh phương Tây.
Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua sự hồi tưởng của các nhân chứng lịch sử và những chuyên gia nghiên cứu về Người.
Bà Lady Borton (người Mỹ), tác giả Cuốn sách “Hồ Chí Minh – một hành trình” xuất bản tại Mỹ và Việt Nam năm 2009, đã chia sẻ với khán giả về những gái hái bước đầu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 10 năm đầu bôn ba ở hải ngoại.
Anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu (ở Sơn Tây, Hà Nội), người chiến sỹ Pháo binh Điện Biên Phủ năm xưa đã xúc động kể về về những kỷ niệm tham gia cách mạng và được gặp Bác Hồ. “Sau khi kháng chiến, tôi rất vinh dự được Đại đoàn công pháo 351 đưa lên chiến khu cách mạng Việt Bắc, cùng các đồng chí Đại đoàn Bộ binh chúc thọ Bác, nhân ngày 19-5-1954, xúc động hồi hộp quá. Chúng tôi đứng trước hội trường đón Bác. Bác đi ngựa đến. Có tiếng nói to, Bác đến rồi các đồng chí ơi! Mọi người tranh nhau vây quanh con ngựa, Bác xuống ngựa bước vào hội trường. Bác lên trên sân khấu và nói: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ta đã giành thắng lợi trọn vẹn! Hôm nay, các chú có mặt tại đây, đại diện cho các đại đoàn bộ binh công pháo chúc thọ Bác. Rồi Bác gắn Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ lên mọi người và căn dặn chúng tôi phải cố gắng hơn nữa”, ông Phùng Văn Khầu hồi bồi nhớ lại.
Cũng theo ông Phùng Văn Khầu: Những lời ân cần, căn dặn của Bác đã khắc sâu trong tâm trí và mãi mãi trở thành mệnh lệnh đi theo suốt cuộc đời ông, dù bất cứ ở đâu, trên cương vị nào.
Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” mang đến cho khán giả những giây phút xúc động về Người, thông qua các hiện vật gắn với tuổi thơ của Bác. Đó là những kỷ vật trong ngôi nhà mái tranh đơn sơ, chiến chõng tre, nơi tuổi ấu thơ Bác Hồ thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ. Các kỷ vật về Bác không chỉ được xây dựng bằng hình ảnh gần gũi, quen thuộc, gắn bó với cuộc sống bình dị nơi quê nhà của, mà còn được kết nối với những giai điệu mang âm hưởng đặc trưng xứ Nghệ.
Cũng tại Cầu truyền hình này, khán giả đã được thưởng thức những ca khúc bất hủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng, cùng dàn hợp xướng thiếu nhi biểu diễn.
Theo Tin tức