Chính trị - Xã hội

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít (9-5-1945 - 9-5-2015)

Chiến thắng phát-xít và cách mạng Việt Nam

07:35, 08/05/2015 (GMT+7)

Theo các nhà sử học, thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít thuộc về tất cả các lực lượng dân chủ, tiến bộ, chống phát-xít trên toàn thế giới.

Trong đó, vai trò quyết định trong Thế chiến thứ hai dẫn đến chiến thắng ngày 9-5-1945 thuộc về nhân dân và quân đội Liên Xô anh hùng. Quân đội và nhân dân Liên Xô đã đánh bại đội quân khổng lồ của phát-xít Đức, gồm 190 sư đoàn trong tổng số 214 sư đoàn của quân Đức, truy đuổi chúng đến tận hang ổ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến đấu của các nước đồng minh và cuộc đấu tranh giành tự do của các dân tộc.

Từ tháng 1­-1944 đến tháng 4­-1945, Hồng quân Liên Xô tổng tấn công quét sạch quân đội phát-xít trên toàn lãnh thổ Liên Xô, giải phóng nhiều nước châu Âu và truy quét phát-xít Đức đến tận sào huyệt cuối cùng ở Berlin. Ngày 30­-4­1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Ngày 9-­5-­1945, Đức ký biên bản đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 9­-3-­1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay trong đêm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước trên toàn quốc. Ngày 12-­3, Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời. Chỉ thị là lời hiệu triệu cùng khẩu hiệu “phá kho thóc giải quyết nạn đói” như một luồng sinh khí thổi bùng ngọn lửa cách mạng, thôi thúc nhân dân Việt Nam vùng dậy kháng Nhật, cứu nước. Tháng 4­-1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương triệu tập ở Hòa Hiệp, Bắc Giang “đặt nhiệm vụ chính trị lên trên tất cả các nhiệm vụ cần kíp khác”. Phong trào kháng chiến diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, làm lung lay nền thống trị của quân phiệt Nhật và tay sai ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ngày 8-­8-­1945, Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật và chỉ trong một tuần quân đội Xô viết đã tiêu diệt hơn một triệu quân Quan Đông ở Đông Bắc Trung Quốc, buộc Nhật đầu hàng không điều kiện, kết thúc Thế chiến thứ hai - một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất đã được ghi vào lịch sử nước Nga Xô viết và nhân loại trong thế kỷ XX, tác động sâu xa đến tiến trình phát triển của lịch sử loài người.

Nắm chắc thời cơ cách mạng và chớp thời cơ từ chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15­-8-­1945, kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 16­-8-­1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân được triệu tập đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thời cơ “ngàn năm có một” đã đến! Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa đến quốc dân đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”

Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào cả nước, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân trong 15 ngày (từ ngày 13 đến 28­-8-­1945), chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và ngàn năm của phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam còn góp một phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống phát-xít vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô­ viết không chỉ cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát-xít, hậu thuẫn cho phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục giành thắng lợi, trong đó có Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, mà còn tạo ra những nhân tố thời đại, để có thể loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi đời sống loài người.

P.V

(Tổng hợp từ Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản)

.